Vĩnh Phúc: không lơ là trước nguy cơ lây lan dịch bệnh sau bão lũ
Sau bão số 3 và đợt mưa lũ kéo dài, nhiều địa phương bị ngập lụt tại tỉnh Vĩnh Phúc đều bị ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm môi trường mức độ nặng; tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Nguồn nước và môi trường ô nhiễm nặng
Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ kéo dài, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong các địa phương chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cũng như môi trường.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến 13 giờ ngày 13/9, Vĩnh Phúc có 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho phân xưởng bị hư hại.
Diện tích sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cũng bị tàn phá nghiêm trọng với 9.830 ha lúa và gần 2.300 ha hoa màu bị ảnh hưởng, 16.600 gia cầm, 70 con trâu, bò, lợn và hơn 500 các loại gia súc khác chết. Hơn 27.200 cây xanh bị đổ, 234 cột điện gãy. Tổng thiệt hại tính đến thời điểm thống kê lên tới hơn 177 tỷ đồng.
Sở Y tế cũng cho biết, bão số 3 và mưa lũ kéo dài, cũng đã khiến nhiều địa phương bị ngập lụt đều rơi vào tình cảnh ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với ngành y tế, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo nước sạch, hướng dẫn dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà cửa; phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm sau bão số 3 và ứng phó với các tình huống thiên tai mưa lũ.
Tích cực ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Lâm Văn Sáu, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: hiện tại, Sở đang chỉ đạo các đơn vị tích cực khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra. Thành lập và kiện toàn các đội cấp cứu lưu động thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các bệnh nhân tai nạn thương tích do bão và hậu quả của bão gây ra.
Ngành y tế cũng tăng cường dự trù thuốc, vật tư, thiết bị y tế đầy đủ phục vụ công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân tai nạn thương tích. Liên tục bám sát diễn biến tình trạng bệnh của người bệnh để có thái độ ứng phó kịp thời.
Các cơ quan chuyên môn y tế cũng lập kế hoạch tiếp nhận, xử trí nhanh các trường hợp bị rắn cắn, côn trùng cắn khi tiếp xúc với con người do mưa lũ làm thay đổi môi trường sống, tập tính di chuyển của các loài vật này.
Đối với công tác phòng chống dịch, xử lý vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã thành lập 19 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch gồm 137 người, và 11 đội kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm gồm 122 người.
Sau khi triển khai tập huấn hướng dẫn xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cũng dự trù, và huy động, phân bổ 500kg Cloramin B đến các đơn vị làm nhiệm vụ.
Tính đến 12 giờ ngày 14/9, đã có 14 xã nguy cơ cao (các địa bàn bị ngập lụt, ô nhiễm môi trường nặng do nước lũ) được xử lý vệ sinh môi trường, thuộc các huyện: Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch.
Hơn 800 hộ gia đình được xử lý vệ sinh môi trường, trong đó gồm các huyện: Vĩnh Tường 200 hộ, Yên Lạc 53 hộ, Bình Xuyên 19 hộ, Tam Dương 143 hộ, Tam Đảo 45 hộ, Lập Thạch 285 hộ, Sông Lô 111 hộ. 114 giếng nước được vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Không chủ quan lơ là trước nguy cơ dịch bệnh
Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay nước trên các sông Hồng, sông Phó Đáy… và các hồ tại tỉnh Vĩnh Phúc đang rút, số hộ gia đình bị ngập úng đang giảm dần. Sau mưa bão, lũ lụt rất nhiều vi sinh vật, chất thải trôi theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, đau mắt đỏ, các bệnh da liễu (ghẻ, hắc lào, viêm da, nấm kẽ chân, nước ăn chân…) và rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Do vậy, cùng với ngành y tế, các cơ quan đơn vị trên địa bàn cần tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa… Tập trung mọi nguồn lực, tổ chức cấp cứu kịp thời, đảm bảo tính mạng cho người bị nạn, giảm thiệt hại về người khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống một số bệnh thường gặp sau mưa bão, lũ lụt các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… đến Nhân dân, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.