Vinaconex muốn rút hết vốn tại Dự án cảng nghìn tỷ ở Quảng Ninh

Theo Vinaconex, đơn vị này muốn bán 2 triệu cổ phần tại dự án cảng biển quốc tế Vạn Ninh (TP Móng Cái, Quảng Ninh), tương đương khoảng 40% vốn điều lệ của dự án.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố thông tin bất thường về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Theo đó, hội đồng quản trị Vinaconex vừa quyết định phê duyệt việc chuyển nhượng vốn góp đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Vinaconex sẽ không còn vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Cụ thể, quy mô chuyển nhượng dự kiến 2 triệu cổ phần, đối tác nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư quan tâm. Tiến độ hoàn thành giao dịch trước ngày 20/6/2024.

Thông báo của Vinaconex về việc bán cổ phần tại Dự án Cảng biển quốc tế Vạn Ninh

Thông báo của Vinaconex về việc bán cổ phần tại Dự án Cảng biển quốc tế Vạn Ninh

Theo giới thiệu trên website của Vinaconex, dự án cảng biển tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 đặt tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái do Công ty CP cảng biển Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Trong đó, Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex làm tổng thầu (góp 40% cổ phần của cảng biển Vạn Ninh).

Dự án nằm trong nhóm cảng biển số 1 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt .

Cảng Vạn Ninh có tổng vốn đầu tư 2.248 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 82,79 ha đất (gồm 46,55ha đất và 36,24ha mặt nước). Trong đó, hạng mục chính là bến cầu chính dài 500 m đáp ứng nhu cầu neo đậu đồng thời 2 tàu có trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu có trọng tải 10.000 DWT và các sà lan ở mặt sau.

Các công trình đi kèm dự án gồm cầu cảng bên trong dài 180 m, hệ thống kho bãi, nhà điều hành, đường giao thông dài 2,5 km dẫn vào cảng biển...

Cũng theo Vinaconex, toàn bộ bến cảng tổng hợp Vạn Ninh có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 480ha. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích 82,8ha, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào khai thác.

Việc thông qua quyết định đầu tư góp 40% vốn điều lệ tại Cảng quốc tế Vạn Ninh được Vinaconex thực hiện hồi tháng 9/2021. Trong quyết định của HĐQT Vinaconex chưa đề cập lý do chi tiết việc thoái vốn sau hơn 3 năm đầu tư.

Phối cảnh Dự án Cảng biển quốc tế Vạn Ninh tại TP Móng Cái, Quảng Ninh.

Phối cảnh Dự án Cảng biển quốc tế Vạn Ninh tại TP Móng Cái, Quảng Ninh.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu tại Cảng quốc tế Vạn Ninh được ghi nhận ở mức gần 200 tỉ đồng.

Về tình hình kinh doanh, 3 tháng đầu năm nay, Vinaconex đạt doanh thu gần 2.650 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn thu vẫn đến từ hoạt động xây lắp với 1.358 tỉ đồng, tương đương hơn 51%. Tiếp đến doanh thu từ bất động sản với 270 tỉ đồng, còn lại đến từ sản xuất công nghiệp, giáo dục…

Doanh thu tăng, lại tiết giảm được chi phí lãi vay khá lớn, phần lỗ trong công ty liên doanh giảm, Vinaconex ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 482 tỉ đồng, tăng gấp hơn 25 lần so với cùng kỳ.

Đoàn Chi

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/vinaconex-muon-rut-het-von-tai-du-an-cang-nghin-ty-o-quang-ninh-c2a74586.html