Việt Nam áp thuế chống phá giá thép Trung Quốc, Ấn Độ
Bộ Công Thương có Quyết định 460 về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 21/2, Bộ Công Thương có Quyết định 460 về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ Trung Quốc từ 19,38-27,83%, áp dụng từ ngày 8/3.
Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG tạm thời để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).
Về mức thuế CBPG tạm thời với tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Ấn Độ, Bộ Công Thương quyết định không áp dụng do thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý thương mại số 05/2017/QH14.
Các mức thuế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế CBPG tạm thời được ban hành.
Theo đó, thuế CBPG tạm thời có thời hạn 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo quy định pháp luật.
Năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 19,07 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép. Trong đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ là 238,6 triệu USD và giá trị nhập từ Trung Quốc lên tới gần 12,03 tỷ USD.
Năm vừa qua, thép Trung Quốc chiếm phần lớn trong số lượng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn từ 30-70 USD, tùy từng loại sản phẩm, so với các thị trường khác.
Điều này xuất phát từ thực tế Trung Quốc chưa thoát khỏi khủng hoảng “thừa thép”, tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.