Vì sao TP.HCM nóng 36 độ C nhưng cảm giác như 38-39 độ C?

Hơi nước chuyển sang thể lỏng sẽ hình thành các hạt nước gây mưa. Khi lượng hơi nước không đủ gây mưa, quá trình chuyển đổi sẽ tỏa nhiệt, tạo cảm giác oi nóng.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hôm nay vùng Đông Nam Bộ, bao gồm TP.HCM, tiếp tục xuất hiện nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất dao động 34-36 độ C. Vùng Tây Nam Bộ có cường độ nắng giảm, tiết trời dễ chịu, nhiệt độ 32-35 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo chỉ số tia cực tím cực đại tiềm năng tại TP.HCM từ ngày 6/4 đến 8/4 ở mức nguy cơ gây hại rất cao. Ngày 6-7/4, chỉ số UV là 10 đơn vị. Đến ngày 8/4, chỉ số này giảm xuống 8 đơn vị.

 Dù nhiệt độ cao nhất đạt 36 độ C, người dân cảm giác như 38-39 độ C, trời oi nóng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dù nhiệt độ cao nhất đạt 36 độ C, người dân cảm giác như 38-39 độ C, trời oi nóng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo từ hôm nay, nắng nóng gia tăng ở TP.HCM và Nam Bộ, mưa giảm rõ rệt, chỉ còn tập trung ở các tỉnh giáp với biên giới Campuchia. Ở phía đông, khu vực Cà Mau, Kiên Giang, và vùng biển phía nam cũng còn khả năng xảy ra mưa.

"5-6 tháng mùa khô rồi. Nắng nóng nhiều nên mây dông phát triển, dễ có mưa trái mùa, chuyển mùa", chuyên gia cho hay.

Nắng nóng trở lại với cường độ không quá mạnh, cao nhất chỉ 36 độ C; tuy nhiên, người dân vẫn có cảm giác khó chịu, oi nóng như 38-39 độ C.

Chuyên gia lý giải trong giai đoạn chuyển mùa, lượng ẩm của hơi nước bắt đầu tăng. Về vật lý, hơi nước chuyển từ thể hơi sang thể lỏng sẽ hình thành các hạt nước gây mưa. Tuy nhiên, nếu lượng hơi nước này không đủ gây mưa thì quá trình chuyển đổi sẽ tỏa nhiệt, khiến nhiệt độ tăng, tạo cảm giác oi nóng.

Bà Lan cảnh báo với những cơn mưa chuyển mùa, đầu mùa, nước mưa rất bẩn. Bởi mưa này cuốn theo bụi lơ lửng trong khí quyển ở tầng thấp, thường được gọi là mưa acid, chứa nhiều độc tố. Tuy đây là cơn mưa vàng cho nông sản nhưng người dân không nên trực tiếp dùng nước mưa này để ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt.

Bên cạnh đó, giai đoạn giao mùa sẽ xuất hiện dông mạnh, thậm chí có thể kèm theo lốc xoáy, mưa đá... Do mùa khô kéo dài, giai đoạn tháng 3 trời nóng cao điểm, nên cơn dông giai đoạn chuyển mùa sẽ càng mạnh.

Người dân cần chủ động tìm nơi trú ẩn khi thấy dấu hiệu của dông (mây đen kéo tới, gió rít từ xa, xuất hiện tia sét). Cụ thể, người dân cần ở trong nhà, tránh nơi gần cửa sổ, mái hiên, không nên tắm mưa...

Chỉ số AQI tại TP.HCM lúc 6h theo ứng dụng PAMAir (ảnh trước) và IQAir. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ số AQI tại TP.HCM lúc 6h theo ứng dụng PAMAir (ảnh trước) và IQAir. Ảnh chụp màn hình.

Về chất lượng không khí, ứng dụng PAMAir lúc 6h cho thấy chỉ số AQI (theo cách tính của Việt Nam) tại hầu hết điểm quan trắc dưới 50 đơn vị, ngưỡng trong lành.

Cùng thời điểm, ứng dụng IQAir tính toán chỉ số AQI trung bình tại TP.HCM là 86 đơn vị - ngưỡng trung bình. Các điểm đo có giá trị từ 50 đến 100 đơn vị.

Ngày mai, ứng dụng IQAir dự báo chỉ số AQI trung bình ngày là 103 đơn vị - ngưỡng kém. Ngày tiếp theo, chỉ số AQI giảm xuống mức 90 đơn vị, ngưỡng trung bình. Đến ngày 9/4, chỉ số này năng trở lại 107 đơn vị rồi lại giảm vào ngày 10-11/4, lần lượt là 85 và 92 đơn vị.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tphcm-nong-36-do-c-nhung-cam-giac-nhu-38-39-do-c-post1201246.html