Vì sao hàng tồn ở các cảng TP HCM tăng đột biến tới 5.000 container?
Hàng tồn tại cảng lâu ngày có thể gây ách tắc, làm gia tăng chi phí cho các cảng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
Theo Cục Hải quan TP HCM, đến đầu tháng 2-2024, tổng số lượng hàng tồn đọng quá 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày tại cảng trên địa bàn thành phố tăng đột biến, tới hơn 6.000 container. Trong đó, hàng tồn trên 30 ngày, 60 ngày có trên 1.228 container, tăng 48% so với mức 401 container hồi tháng 12-2023. Còn hàng tồn quá 90 ngày là 4.845 container, giảm nhẹ 5% so với tháng 12-2023.
Hàng tồn chủ yếu tập trung ở Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (nằm tại Cảng Cát Lái). Theo đó, số lượng hàng tồn quá 30 ngày và 60 ngày có hơn 1.227 container, hàng tồn quá 90 ngày lên đến 4.496 container.
Bên cạnh hàng tồn tại cảng, hàng tồn tại cửa khẩu đường hàng không cũng tăng khá mạnh, lên tới 2.038 dòng hàng, với 469.583 tấn. Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiềm gần 1.700 dòng hàng, với trên 477 tấn.
Lý giải việc hàng tồn tại cảng, đặc biệt là tại Cảng Cát Lái tăng đột biến vào đầu năm 2024, đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 cho biết đây là thời điểm cuối năm âm lịch, các doanh nghiệp nhập hàng nhiều, trong đó có nhiều hàng chưa xử lý kịp nên chuyển thành hàng tồn đọng.
Thực tế, việc hàng tồn tại cảng số lượng lớn kéo dài cũng có thể gây cản trở cho hoạt động xếp dỡ, thông quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho hãng tàu và cả các đơn vị khai thác cảng. Và nếu kéo dài qua 90 ngày phải xử lý nhiều công đoạn, tốn kém rất nhiều chi phí cho các bên liên quan.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại kho bãi, cảng, cửa khẩu, Cục thường xuyên báo cáo số liệu hàng tốn đến Cục Quản lý giám sát và quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan về hàng tồn.
Theo quy trình xử lý hàng tồn, khi quá 90 ngày, nghĩa là hải quan đã liên hệ, thông báo nhiều lần mà không có đơn vị nhận thì mới xác định là hàng đã vô chủ, chủ hàng từ bỏ... sẽ xử lý theo quy định. Còn việc xử lý hàng tồn đọng phải triển khai theo một quy trình khác mà việc này đòi hỏi phải có nhiều đơn vị trong hội đồng tham gia.