Vì sao chủ đầu tư điện gió ngoài khơi không được nhượng quá 49% tổng mức đầu tư dự án?

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn quy định cá nhân được giao làm chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp.

Ngày 3-4/5, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Nội dung mới tại dự thảo này là “Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”, được quy định chi tiết với 5 điều (từ Điều 23 đến Điều 27).

Trong đó, những quy định về điện gió ngoài khơi được quy định tại Điều 26 nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Theo dự thảo, Điều 26 có định nghĩa về nhà máy điện ngoài khơi quy định là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 của luật này.

Dự án điện gió số 7, tỉnh Sóc Trăng.

Ngoài ra quy định tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp. Cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng phần vốn góp. Điều này nhằm đảm bảo rằng người chủ đầu tư giữ lại quyền kiểm soát đáng kể trong dự án và đảm bảo rằng họ có một cam kết mạnh mẽ đối với sự thành công của dự án.

Về nội dung này, đại diện công ty cổ phần APC cho rằng, hiện có một số văn bản đang dự thảo độ sâu của dự án điện gió ngoài khơi phải hơn 10m. Tuy nhiên, dự thảo luật này lại không ghi chi tiết độ sâu. Điều này vô hình trung khiến doanh nghiệp không biết thực hiện làm sao cho đúng.

“Chẳng hạn, dự án đảm bảo ngoài 6 hải lý, nhưng độ sâu khoảng 7-8m thì sẽ ra sao? Hoặc một dự án có 30 cái turbine gió, nhưng có khoảng 5-7 turbine ở ngưỡng độ sâu 7-8 mét, thì sau này hưởng theo cơ chế chính sách nào, việc nghiệm thu ra sao?”, đại diện APC nói và kiến nghị, phải chi tiết thêm nội dung này để không vướng mắc ở khâu hậu kiểm sau khi dự án hoàn thành.

Đây cũng là ý kiến từ phía bà Nguyễn Thanh Trà, đại diện Tập đoàn CIP (Đan Mạch). Bà Trà cho rằng, yêu cầu khoảng cách 6 hải lý, nhưng còn yêu cầu đảm bảo độ sâu đáy biển sẽ rất khó để đo đạc, vì Việt Nam chưa có những đo đạc, số liệu cụ thể để xác định độ sâu đáy biển ở tất cả các địa hình của biển Việt Nam. Bà Trà kiến nghị chỉ nên yêu cầu xa bờ 6 hải lý là đủ.

Đại diện CIP cũng băn khoăn đến quy định “chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp”.

Bà Trà góp ý chỉ nên cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng trong giai đoạn nhất định sau khi dự án đã đi vào vận hành chứ không hạn chế trong toàn bộ vòng đời của dự án. Bởi, nhà đầu tư phát triển dự án không phải là nhà đầu tư làm tốt nhất công việc vận hành. Việc vận hành đó có thể chuyển cho nhà đầu tư khác hoặc có thể nhà đầu tư khác có khả năng tốt hơn.

Trả lời những băn khoăn trên, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, mấu chốt quan trọng nhất trong việc quy định chuyển nhượng nàyliên quan đến đảm bảo về quốc phòng an ninh, vấn đề chủ quyền và lãnh hải Việt Nam, cho nên việc xem xét những thành viên, những thành phần của chủ đầu tư là cực kỳ quan trọng.

“Quá trình chuyển nhượng về sau cũng cần có sự xuyên suốt để thành viên của tổ hợp nhà đầu tư phải có trách nhiệm cho đến hết vòng đời dự án để tránh việc chuyển nhượng khiến việc triển khai bị chậm, thậm chí không triển khai được dự án”, ông Hòa nói và khẳng định đã có nhiều kinh nghiệm từ các dự án nguồn điện lớn.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chu-dau-tu-dien-gio-ngoai-khoi-khong-duoc-nhuong-qua-49-tong-muc-dau-tu-du-an-192240504094601108.htm