Vì quyền lợi người tiêu dùng
Với chủ đề 'Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới', các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm nay tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.
Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Việt Trì.
(baophutho.vn) - Với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm nay tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức của người dân cũng như chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã được thay đổi rõ rệt. Các kiến thức về cách lựa chọn nguyên liệu, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và các chế độ bảo hành sau mua của người dân được nâng lên.Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì cho biết: “Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cộng thêm gia đình có người già và trẻ nhỏ nên tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng từng sản phẩm gia đình sử dụng. Tôi thường kiểm tra kỹ các thông tin về nhà sản xuất, tem nhãn, đặc biệt là hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm chất lượng không đảm bảo, quá hạn sử dụng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của gia đình”. Hiện nay, ý thức của người dân và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã được nâng lên. Tuy nhiên vi phạm quyền lợi NTD vẫn còn xảy ra với các hành vi như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam... Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 2.000 lượt vụ vi phạm, thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 90 tỉ đồng, trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính 26,5 tỉ đồng, tiền bán hàng tịch thu trên 1,5 tỉ đồng, tiền phạt bổ sung và truy thu thuế trên 61,7 tỉ đồng.Để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, chủ động xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm chắc tình hình thị trường, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, làm rõ những thủ đoạn vi phạm pháp luật của các đối tượng; tham mưu cho cấp trên nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, trọng tâm là đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong mua sắm, tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát thực tế, tập hợp ý kiến phản ánh nhu cầu của NTD để tư vấn, phản biện và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu xâm hại quyền lợi. Trong năm 2021, Hội đã kiểm tra, giải quyết, tư vấn theo phản ánh của NTD với tổng số 15 vụ việc, trong đó 85% vụ việc được tư vấn, giải quyết thành công.Ông Vũ Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD khẳng định: “Với vai trò là cầu nối trong việc bảo vệ quyền lợi của NTD, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng đến các xã, phường, thị trấn, khu dân cư để nâng cao kiến thức pháp luật, an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp những thông tin bổ ích về địa chỉ, thương hiệu sản phẩm có uy tín, đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... góp phần kích cầu tiêu dùng, xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”. Việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bảo vệ quyền lợi NTD có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202203/vi-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-183251