Ví điện tử Moca bất ngờ ngừng giao dịch từ 1/7

Grab mới đây thông báo ví điện tử Moca sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ từ ngày 1/7 tới đây.

Ngày 31/5, trong thông báo gửi khách hàng, Moca cho biết đơn vị này sẽ chính thức ngừng dịch vụ Ví điện tử Moca từ ngày 1/7/2024. Theo đó, đây là một phần của quyết định thực hiện tái cấu trúc hướng đến tăng trưởng bền vững của công ty sau những đánh giá cẩn trọng.

Moca cũng gửi lời cảm ơn đến người dùng và cho biết nếu còn số dư trong ví, người dùng có thể chủ động chi tiêu hoặc rút về tài khoản ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay cho đến hết ngày 30/6. Từ ngày 1/7, Moca sẽ hoàn tiền nếu người dùng vẫn còn số dư trong ví, đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Moca thông báo dừng cung cấp dịch vụ từ ngày 1/7.

Moca thông báo dừng cung cấp dịch vụ từ ngày 1/7.

Ngoài ra, Moca cũng khuyến khích khách hàng chuyển sang các ứng dụng thanh toán khác còn khả dụng trên ứng dụng Grab như ZaloPay, MoMo, hoặc thẻ ngân hàng.

Cuối cùng, Moca đưa chi tiết hướng dẫn người dùng cách rút tiền từ ví điện tử trên ứng dụng Grab về tài khoản ngân hàng liên kết.

Ví Moca do Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca phát triển đã bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Từ năm 2018, Moca đã hợp tác với Grab Việt Nam để tích hợp dịch vụ này trên ứng dụng Grab. Nhờ vào các tiện ích nhanh chóng và thuận tiện, sau khi ra mắt, Moca trên Grab đã thu hút được nhiều người dùng thanh toán hóa đơn dù không có nhiều chương trình ưu đãi.

Theo Vietdata, năm 2022, doanh thu của Moca đạt gần 500 tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2021 và tăng 75,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Moca vẫn âm trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2020 và 2021, lợi nhuận âm của Moca tăng từ hơn 55 tỷ đồng lên 164 tỷ đồng. Đến năm 2022, lợi nhuận âm đã giảm mạnh 77%, chỉ còn gần 40 tỷ đồng.

Sức ép lớn từ các ngân hàng

Hiện nay, thị trường thanh toán trực tuyến của Việt Nam đang ngày càng sôi động với hơn 40 ngân hàng thương mại trong nước và 51 ví điện tử cùng nền tảng thanh toán trung gian đang cạnh tranh khốc liệt, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Nghiên cứu của Decision Lab tại TP.HCM cho thấy MoMo, ZaloPay và ShopeePay là những ví điện tử được nhiều người dùng nhất. Các ví này thường hợp tác với các siêu ứng dụng như Grab, Gojek hoặc các nền tảng khác như TikTok. Sự cạnh tranh của các ví điện tử hiện nay ngày càng khốc liệt và vẫn là cuộc chơi "đốt tiền".

Theo FiinGroup, mặc dù có các con số tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, các ví điện tử vẫn đang đối mặt với cuộc đua đốt tiền để thu hút và giữ chân khách hàng. Nguyên nhân chính là nhiều người dùng chỉ thanh toán qua ví điện tử khi có các ưu đãi hấp dẫn và phiếu giảm giá. Sau khi tận dụng các chương trình khuyến mãi, người dùng thường chuyển sang nhà cung cấp khác có ưu đãi tốt hơn. Theo báo cáo trên Decision Lab, khuyến mãi là lý do lớn thứ hai khiến người dùng chọn sử dụng ví điện tử, chiếm tới 65% số người được khảo sát.

Điều này buộc các ví điện tử và cổng thanh toán phải liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi, tạo ra gánh nặng chi phí lớn. Kết quả là, ngay cả những nhà cung cấp hàng đầu với hàng triệu người dùng như MoMo hoặc ShopeePay vẫn tiếp tục chịu lỗ, mặc dù doanh thu ròng tăng trưởng.

Mặc dù mã QR của các ngân hàng ít có chương trình khuyến mãi và không được chú ý nhiều, nhưng tăng trưởng thanh toán qua mã QR tại Việt Nam vẫn do các ngân hàng dẫn dắt. Theo dữ liệu của Data.ai, sáu ngân hàng gồm MB Bank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và Techcombank nằm trong top 10 ứng dụng có lượt tải cao nhất, cùng với MoMo, ZaloPay và hai ứng dụng thanh toán của Viettel và Home Credit.

Thạch Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-dien-tu-moca-bat-ngo-ngung-giao-dich-tu-1-7-ar874371.html