Về vấn đề tự do trong sáng tạo nghệ thuật
Thực tiễn cho thấy, đã và đang có không ít ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về quan niệm tự do sáng tạo nói chung, về tự do trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Cho nên, khi đề cập đến vấn đề này, để tránh tình trạng bất đồng, yêu cầu đầu tiên là cần có sự thống nhất trong quan niệm, cách đánh giá, tránh suy diễn, thậm chí xuyên tạc vì mục đích không trong sáng.
Thực tiễn cho thấy, đã và đang có không ít ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về quan niệm tự do sáng tạo nói chung, về tự do trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Cho nên, khi đề cập đến vấn đề này, để tránh tình trạng bất đồng, yêu cầu đầu tiên là cần có sự thống nhất trong quan niệm, cách đánh giá, tránh suy diễn, thậm chí xuyên tạc vì mục đích không trong sáng.
Trước hết, cần phải phân biệt tự do trong tư cách một phạm trù triết học, luật pháp, chính trị, đạo đức, tôn giáo,… với tự do trong tư cách một phạm trù mỹ học. Hai tư cách này tuy không hoàn toàn biệt lập, tách rời nhau, nhưng không phải trong trường hợp nào cũng thống nhất. Về lô-gích, có vẻ như cái này tạo điều kiện, tạo tiền đề và bảo đảm cho cái kia được thực hiện. Song, nhìn vào thực tiễn nghệ thuật nhân loại sẽ thấy không hoàn toàn như vậy. Vấn đề tự do sáng tạo chỉ có thể được nhận thức và thực hiện trong quan hệ giữa tự do công dân và tự do nghệ sĩ. Nếu chỉ nhìn nhận từ một mặt thì sẽ hết sức phiến diện, chưa kể mỗi khi bàn đến tự do sáng tạo cũng cần phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh lịch sử và nghệ thuật cụ thể,… để lý giải.
Không ít người cho rằng, bản chất của sáng tạo nghệ thuật là tự do, là điều kiện để sáng tạo nghệ thuật. Không có tự do sẽ không có thơ, ca, nhạc, họa; không có nguồn cảm hứng để tạo sinh ra các công trình, tác phẩm. Tự do với nghệ sĩ giống như chim hót cần thiên nhiên, khí trời; hoa nở cần ánh sáng và dưỡng chất tự nhiên… Quả đúng như vậy! Không ai bắt được nhà văn phải xúc cảm và cầm bút khi họ không rung động, không yêu thương và căm giận. Nhưng cũng không ít người cho rằng: không phải khi nào nghệ sĩ cũng có được hoàn cảnh tự do, và không phải khi nào tác phẩm nghệ thuật cũng sinh ra từ tự do, bắt đầu từ tự do. Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sáng tác trong nhà lao tàn khốc của Tưởng Giới Thạch là thí dụ. Và Y. Fucik (Y. Phu-xích) chẳng từng “viết dưới giá treo cổ” đó sao? Hoặc vô số tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới đã ra đời trong bão tố cách mạng, trong lò lửa chiến tranh, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu thốn, dưới sự truy sát của kẻ thù mà vẫn hay, vẫn khẳng định được giá trị. Như vậy, trong hoàn cảnh không có tự do, điều kiện thiếu tự do vẫn có thể có tự do sáng tạo, có rung động thẩm mỹ để có tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhiều mặt. Vì thế, tự do sáng tạo cần được hiểu là trạng thái tinh thần - tư tưởng, là rung động tâm hồn, là lý tưởng thẩm mỹ cá nhân của nghệ sĩ. Thiếu các tiền đề đó thì ngay cả tự do công dân cũng không đủ bảo đảm để tác phẩm nghệ thuật ra đời. Điều đó cho thấy, việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề không chỉ dừng lại ở các quan điểm phi văn nghệ và theo lô-gích thông thường.
Như đã trình bày, từ trong bản chất, sáng tạo nghệ thuật luôn cần tự do cho chính nó. Nhờ sự tự do đó mới có tác phẩm nghệ thuật, và ở chiều ngược lại, nghệ thuật phải thực hiện các chức năng vốn có, phải tự ý thức về sứ mệnh của mình. Từ khi ra đời, phát triển và trở thành nhu cầu tinh thần thiết yếu của xã hội, con người, nghệ thuật luôn phải đồng thời đảm nhiệm các chức năng khác nhau, tùy theo mỗi thời đại mà nổi lên một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, khi là sinh hoạt giải trí tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng; khi là sự thăng hoa trí tuệ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, ca ngợi thành quả lao động sáng tạo, ca ngợi chiến công, phản ánh hiện thực lịch sử văn hóa của các thời đại, các dân tộc; khi thì phục vụ cho lợi ích của các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội; khi thì được trao sứ mệnh lớn lao vì con người và sự phát triển của xã hội… Như vậy, tự do sáng tạo trong nghệ thuật là tự do được ý thức một cách tự giác để phục vụ, hiến dâng cho mục tiêu được xác định là Chân - Thiện - Mỹ. Đó không phải là tự do muốn viết gì thì viết, muốn vẽ gì thì vẽ,… hoặc không cần vì ai, không vì cộng đồng, dân tộc nào.
Từ lịch sử quá trình vận động và phát triển nghệ thuật cho thấy những khác biệt, vướng mắc về quan điểm chung quanh vấn đề này đã khiến có lúc, có nơi diễn ra khá gay gắt. Tuy nhiên cần khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương và nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ có môi trường tự do trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Theo thời gian, giới quản lý lãnh đạo, giới nghiên cứu lý luận và văn nghệ sĩ ở Việt Nam đã có sự lắng nghe, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Văn nghệ sĩ ngày càng được tạo điều kiện để phát triển tài năng.
Có thể thấy, tự do được xem là điều kiện của sáng tạo nghệ thuật. Tuy ở thời đại nào nghệ thuật và văn nghệ sĩ cũng phải đóng các vai trò nhất định, đảm nhiệm những chức năng nhất định, phải hoàn thành các sứ mệnh nhất định, song để có nghệ thuật đích thực, để tồn tại như thiên chức vốn có thì tự do luôn phải là điều kiện thiết yếu. Đó không phải là thứ tự do ban phát từ bên trên hoặc bên ngoài vào nghệ thuật, mà là tự do nảy sinh từ bên trong, tự do được tự ý thức để dâng hiến, phục vụ khát vọng sáng tạo, lý tưởng xã hội và thẩm mỹ cao cả. Để có được tự do này, áp đặt hay chấp nhận miễn cưỡng đều không đem lại hiệu ứng tích cực. Lịch sử cho thấy, mỗi khi nghệ thuật được trao thêm các sứ mệnh, gia tăng nhiệm vụ lịch sử, mở rộng thêm hệ thống quan niệm về bản chất, chức năng, tính chất, vai trò,… thì vấn đề tự do sáng tạo lại được đặt ra. Mỗi lần như vậy, nghệ sĩ phải giải quyết có hiệu quả quan hệ giữa tự do và tất yếu, giữa nghệ thuật và chính trị, để tự ý thức về trách nhiệm trước xã hội, con người.
Không thể phủ nhận rằng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đến nay, dưới tác động của đổi mới tư duy, trong đó tư duy lý luận, tư duy nghệ thuật, mối quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị đã từng bước được nhận thức, giải quyết hài hòa hơn. Đó là cơ sở để nhận thức sâu hơn, giải quyết triệt để hơn vấn đề tự do sáng tạo. Tuy vậy trên thực tế, tình trạng tác giả, tác phẩm “có vấn đề” vẫn tồn tại. Việc cần đặt ra là đánh giá và xử lý như thế nào cho thỏa đáng. Rõ ràng, với trường hợp các cá nhân lợi dụng tự do để chống phá chế độ, công kích sự lãnh đạo của Đảng, đả phá sự nghiệp đổi mới của đất nước, đi ngược lợi ích quốc gia và dân tộc, tuyên truyền lối sống suy đồi, phản nghệ thuật,… thì cần phải nhận diện, phê phán, xử lý ở mức độ tương ứng. Nhưng với trường hợp vì say sưa kiếm tìm cái mới, say sưa khám phá phát hiện, hoặc vì chưa nhận thức và xử lý thấu đáo, vì thiếu kiểm soát nhiệt huyết sáng tạo,… mà vượt qua giới hạn thì việc đánh giá đúng đắn trên cơ sở khoa học, có lý lẽ, có căn cứ chuyên môn,… là điều hết sức cần thiết.
Kinh nghiệm từ thực tiễn văn học nghệ thuật ở một số quốc gia trên thế giới những năm gần đây có thể giúp chúng ta có những tham khảo cần thiết và hữu ích. Thí dụ với những tác phẩm văn nghệ “có vấn đề” có thể giao tác phẩm văn học nghệ thuật cho công chúng và các nhà phê bình mổ xẻ, phán xét; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý theo luật đối với các cơ quan có trách nhiệm khi để xảy ra các sai sót. Như vậy, các hiện tượng sai trái vẫn được xử lý, đánh giá mà không tổn hại đến mối quan hệ giữa chính trị với văn nghệ.
Một vấn đề quan trọng cần bàn là trong khoảng hai chục năm gần đây, khi công cuộc đổi mới và hội nhập đi vào chiều sâu; khi tác động của các quan điểm nghệ thuật trên thế giới đã bước đầu để lại dấu ấn trong tư duy lý luận, phê bình và sáng tác; khi dân chủ được mở rộng thì ý thức về tự do sáng tạo cũng được tăng cường. Các khát vọng sáng tạo nhờ thế đã được mở rộng biên độ… Như vậy có thể thấy nếu xem tự do lớn nhất đối với văn nghệ sĩ là tự do sáng tạo, tự do phụng sự đất nước, dân tộc, xã hội và lý tưởng nghệ thuật cao cả, nhân văn, phụng sự các giá trị Chân - Thiện - Mỹ,… thì chúng ta đã có. Vấn đề là cơ chế phát huy và vận hành sao cho hợp lý, phát huy hiệu quả trên thực tế.
Trước thực tiễn lịch sử và thực tiễn mới của nghệ thuật, vấn đề tự do sáng tạo rất cần được nhận thức một cách đúng đắn, sâu sắc và khoa học trên cơ sở tránh những định kiến, khắc phục những rào cản hữu hình và vô hình để tạo ra cảm hứng mới, động lực mới cho hoạt động sáng tạo, hướng tới những đỉnh cao nghệ thuật mà đất nước và nhân dân đang mong đợi.