Về thôn Vỹ nghe Nguyễn Khoa Điềm đọc thơ
Chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở Vỹ Dạ vào một buổi sáng Huế lạnh và mưa phùn. Nhà báo Thế Thanh hẹn đến thăm ông với tư cách bạn bè, để nghe ông đọc thơ cùng vài nhà báo của Tạp chí Người Đô Thị.
Thế hệ làm báo chúng tôi đều biết đến Nguyễn Khoa Điềm không chỉ như một nhà thơ có tên tuổi mà còn như một người quản lý báo chí, bởi một thời gian khá dài trước khi nghỉ hưu ông kinh qua các chức vụ lãnh đạo lĩnh vực văn hóa và tư tưởng. Bước qua cánh cổng ngăn cách với sự ồn ào của dòng xe cộ bên ngoài, chúng tôi rơi ngay vào không khí mát mẻ và yên tĩnh của ngôi nhà vườn rợp cây cối.
Ông Điềm nói, ngôi nhà được xây lại từ năm 2016, trên mảnh vườn mà bà nội ông - Đạm Phương nữ sử (1) - mua vào thập niên 40 thế kỷ trước.
Ở tuổi 82, ông Điềm đi đứng nhanh nhẹn, nét mặt trầm tư nhưng tiếng cười thì thật sảng khoái. Khách chủ vừa an tọa, như muốn tạo không khí tự nhiên, ông nói “đọc thơ nhé”, rồi đứng dậy đi về phía bàn viết lấy xấp giấy A4. Lật từng tờ, ông bắt đầu đọc những bài thơ mà ông nói mới làm gần đây.
Chiều vẫn tím
Huế đã lên thành phố trực thuộc
Chiều vẫn tím
Sông Hương bình yên qua nhà ...
Một thoáng lặng im, nửa như chờ câu thơ tiếp theo, nửa lại là cảm thức về dòng sông lặng lờ trong mưa lạnh ở ngoài kia.
Rồi, tiếng ông cất lên nhỏ nhẹ “Chúng ta vẫn thường trú trong vô thường”.
“Bài thứ hai là bài...” giọng ông mạnh mẽ, và lập tức dịu đi lời tự sự:
Vợ chồng qua đèo
Ngày nối ngày, tối mắt
Được một chiều thong dong
Dắt nhau qua đèo cũ ...
Mã Pì Lèng chất ngất
Rượu sán lùng nhũn chân
Vợ soải người nằm ngủ
Chồng ngẩn ngơ bên đường.
Mây trắng giăng lớp lớp
Nho Quế ru âm thầm
Mặt trời chưa muốn tắt
Một ngày dài xuân xanh ...
(2.2025)
Ông cười lớn: “Cuộc đời là thế thôi, vợ thì uống rượu rồi ngủ, chồng thì ngơ ngẩn, canh cho vợ ngủ. Tôi có nhiều lần đi qua Mã Pì Lèng, nhìn thấy cảnh uống rượu, lúc chồng say vợ canh hay vợ say chồng canh, cũng là một ngày của cuộc đời. Cũng muốn gởi gắm một cái gì đó trong cuộc đời như thế”.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm quen thuộc với hầu hết các thế hệ lớn lên trong môi trường giáo dục cách mạng. Cảm nhận của mỗi lứa học trò phổ thông về những gì ông góp mặt trong các bài giảng văn có thể sẽ khác nhau bởi bối cảnh xã hội và giáo dục thay đổi. Như bản thân tôi khi nói về Nguyễn Khoa Điềm vẫn thường liên hệ ngay đến giá trị của lòng yêu nước, đến những định hướng tư tưởng chính trị hơn là cảm xúc thi ca. Dù vậy trong tuổi hoa niên tôi vẫn thuộc lòng: “Ta đi qua những năm tháng không ngờ/ Vô tư quá để bây giờ xao xuyến...”.

Chân dung nhà thơ được treo trước bàn viết của ông. Ảnh: NTT
Bây giờ và ở đây, khi tôi cùng các đồng nghiệp đến thăm ông tại tư gia vào một ngày tháng Ba, thời điểm năm mươi năm trước Huế rộn lên những con sóng đổi thay của thời cuộc, dường như tôi nhận diện đầy đủ hơn chân dung của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm.
Ông đọc tiếp bài thơ về cô em gái của ông vừa qua đời ở tuổi 80, năm rồi:
Tặng Phi
Trong tâm hồn ta, em có nhớ
Những cỏ hoa xanh vườn Thanh Tiên (2)?
Trong tâm hồn ta, em lặng yên
Những mùa mưa lạnh, ngày nắng nỏ
Trong tâm hồn ta, em ngủ quên
Với đôi mắt sáng, lời lanh lảnh
Trong tâm hồn ta, em bình yên
Mong em một lần, mong em tháng năm
Trong tâm hồn ta, em nguôi quên ...
(Vĩ Dạ, 8.4.2024)
Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại Thừa Thiên, thân sinh là nhà lý luận và phê bình văn học Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nổi tiếng với bút chiến “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” những năm 1930. Ông Điềm ra Bắc năm 1955, là học sinh miền Nam, tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội năm 1964, rồi trở vào Nam tham gia đấu tranh trong phong trào đô thị tại Huế. Từ đó, ông thành danh như một nhà thơ thuộc dòng văn chương kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm được nhiều người biết đến và đánh giá cao là trường ca Mặt đường và khát vọng, trong đó có chương Đất nước.
Trong nhiều năm qua, bài thơ Đất nước thỉnh thoảng xuất hiện trong đề thi văn tốt nghiệp phổ thông trung học, mà gần nhất là năm 2024. Báo chí tìm tới ông, hỏi ông về suy nghĩ của mình, ông nói: “Giờ ở tuổi này, tôi khó có thể viết được những vần thơ như thế nữa, nhưng suy nghĩ về đất nước của tôi vẫn vậy. Đất nước là của nhân dân chứ không phải của các triều đại, của các ông vua. Nhân dân xây dựng lên đất nước, đất nước là của nhân dân nên phải chăm lo cho nhân dân”.
Nguyễn Khoa Điềm được giới phê bình văn học nhận xét là rất thành công với giọng thơ “vừa chính luận vừa trữ tình”. Chắc là, theo thuộc tính công việc, các nhà phê bình cần phải đặt ra các khái niệm để phân loại đánh giá, lý tính “vị nhân sinh” những lĩnh vực nghệ thuật trừu tượng. Với người ngoại đạo, nghe ông đọc thơ cứ để lòng mình chiều theo cảm xúc.
Như với một trong những bài thơ mới của ông dưới đây:
Bún riêu
Đó là miếng ăn thời nghèo khó
Đi theo ta, suốt đời ...
Một ít bún
Một chút mắm tôm
Một mảy cua đồng
Rau ghém
Ớt đỏ ...
Đôi khi,
Một giọt mồ hôi ...
(3.2025)
Khi nghe ông diễn cảm chậm rãi, miêu tả món ăn dân dã, tôi hình dung hình ảnh tô bún riêu được các cô cậu mới lớn chụp cận cảnh bằng điện thoại, trước khi ăn. Đột nhiên, ông nhấn cao giọng hai từ ớt đỏ như dội vào tâm khảm tôi một tuyên-xưng-cần-lao của món ăn khoái khẩu.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chuyện trò cùng nhà báo Nguyễn Thế Thanh (trái) và nhà báo Duy Thông (phải). Ảnh Kim Dung
Năm 1994, từ Huế ông ra Hà Nội làm Thứ trưởng, rồi năm 1996 lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Từ 2001 đến 2006 ông giữ chức vụ quan trọng nhất của ngành tư tưởng: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Trong giai đoạn này trên văn đàn hay báo chí cũng có nhiều sự kiện tranh luận, như tập truyện vừa Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), những đánh giá đổi mới văn học “quá đà” kiểu Tạp chí Sông Hương, hay chủ trương thông tin vụ việc bạo loạn ở Tây Nguyên... Nhà báo Thế Thanh là Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM (1987 - 1996), sinh sau ông 10 năm nhưng là đồng môn trong khóa Cao cấp chính trị (1985 - 1987) ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Hà Nội (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Khi thơ đã hòa vào mạch cảm xúc, nhà báo Thế Thanh cất tiếng đọc một bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà bà và bạn bè yêu thích:
Hy vọng
Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng
Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình tâm của cỏ
Mãi khi giữa đêm chợt thức
Bập bềnh ý nghĩ xót xa:
Anh còn có thể, không thể ...?
Thăm thẳm ngày xưa bình an
Vời vợi ngày mai chói nắng ...
(2004)
Bài thơ được công bố cách đây hơn 20 năm, lúc ông đương chức Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Nghe xong, trầm ngâm một lúc rồi ông nói: “Cuộc sống nó đi lên, dù khó khăn nặng nhọc gì nó cũng phải đi, và phải học từ cuộc sống. Và đó là bản lĩnh cần thiết để sống đời sống hiện nay”.
Tôi kể cho ông nghe chuyện hồi đó, một vị phó tổng biên tập (tờ báo tôi làm việc) đang trực duyệt bài, đọc thơ ông thì reo lên “Ông Điềm đã nghe được lời đá nói...”, rồi tôi hỏi: “Thưa ông, giữa việc quản lý văn hóa tư tưởng và việc làm thơ có song trùng với nhau được không? Có khoảng cách nào không?”
Ông Điềm trả lời: “Cũng khó nói. Thật ra thì nó cũng có hai mặt. Khi làm quản lý thì anh phải giữ đúng những nguyên tắc, những thước tấc nào đó để làm tốt quản lý. Và đó cũng là thước tấc của sự sáng tạo văn nghệ. Nhưng mà đúng là có nhiều trở ngại. Trở ngại về thời gian, trở ngại về suy nghĩ, ảnh hưởng rất xấu đến đầu óc. Chính sự chừng mực của đầu óc làm ảnh hưởng đến sáng tạo ghê gớm lắm. Giống như người ta nói, nếu anh là nhà khoa học, anh tư duy logic quá mạnh thì anh sẽ không bay bổng nữa, bởi cái gì cũng phải hợp lý.
Cho nên làm chính trị cũng ảnh hưởng đến văn nghệ. Nhưng trong một khía cạnh nào đó, làm chính trị tốt cũng làm văn nghệ tốt. Ở nước mình thiếu gì người làm chính trị tốt mà vẫn làm văn nghệ tốt. Ông Nguyễn Du, làm đến chức tham tri mà vẫn làm thơ, viết Truyện Kiều... Nguyễn Khuyến cũng làm quan, sau về còn có hàm tổng đốc, hay Trần Nhân Tông làm vua và làm nhiều bài thơ rất hay. Nên cũng đừng cho rằng, làm chính trị thì không làm được thơ.
Qua câu chuyện này, mới thấy làm chính trị cản trở sáng tạo kinh khủng, mà người xưa đã vượt lên và giữ được thế giới của tư duy hình tượng. Mình thì không thể theo người xưa nổi, người xưa có những phẩm chất mà ngày nay mình khó theo kịp”.
Bài thơ dưới đây ông đọc cho chúng tôi nghe với lời đề tặng Nguyễn Huy Thiệp khi nghe tin nhà văn qua đời:
Tiễn đưa một người sáng tạo
Ông đã bắt đầu
Còn chúng tôi đứng lại
Lời xưng tụng không hơn sự lặng im
Trước vạch trắng cuối cùng
Ông lặng lẽ
Cao đầu
Cất bước
Chúng tôi cúi đầu
Giữ lễ
Một thời điểm, buồn không chịu nổi
Khi ông đi với bóng của riêng mình...
(2021)
Đọc xong bài thơ, ông nói “Tôi có dự buổi tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội”. Lúc đó, trong đầu tôi thoáng qua ảo ảnh Không có vua, Kiếm sắc, Vàng lửa, Tướng về hưu... Nguyễn Huy Thiệp đã cao đầu cất bước lên văn đàn trong những năm 90 thế kỷ trước, dù có bao lời tiếng gièm pha hay xưng tụng.
Mấy hôm nay, ở Huế vừa khánh thành cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hương. Cây cầu được thiết kế cách điệu những chiếc lọng màu vàng nổi bật trong không gian trầm mặc ven bờ, nên có nhiều ý kiến trái chiều về thẩm mỹ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ góc nhìn của mình:
Cầu Nguyễn Hoàng
Chiếc đàn harp (3) ngân trên sông Hương
Mời chim phượng, chim hoàng về hội tụ
Buổi chiều Huế thật yên ả
Những người thương nghe tiếng lòng mình ...
Bao nắng mưa mê mải hành trình
Anh có nhớ đã một lần hẹn ước
Sẽ trở lại thả mình vào bóng nước
Để trôi đi những cay đắng, u hoài
Giờ bờ bến nối liền bờ bãi
Giờ anh hát điều anh mong đợi
Chỉ một điều ấy thôi...
(Huế, 3.2025)
Cây cầu trong suy tưởng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là nhịp cầu hội tụ con người, hội tụ lịch sử, cũng như cây cầu ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng và sáng tạo văn chương nghệ thuật, khoa học...

Người Đô Thị chụp lưu niệm cùng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tại vườn nhà thôn Vỹ. Ảnh: Trâm Anh
Đang nói về cây cầu mới của Huế và sự suy tưởng đến đàn harp, ông Điềm chuyển sang bàn về ngôn ngữ. Ông nói: “Ngôn ngữ Nguyễn Huy Thiệp làm ra văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Các nhà văn Hoa ngữ Kim Dung, Quỳnh Dao đạt đến độ lay động lòng người thì cũng nhờ ngôn ngữ. Bây giờ đọc báo tôi thấy có hiện tượng tầm thường hóa ngôn ngữ, ngôn ngữ đường phố chen vào báo chí, truyền hình rất nhiều. Tôi nghĩ, công việc đào tạo, giữ gìn và phát triển ngôn ngữ là một vấn đề rất lớn của dân tộc. Thời kỳ 1930 - 1945 ở Việt Nam có Thơ mới, Tự lực Văn đoàn, văn chương hiện thực... đạt đến trình độ ngôn ngữ rất cao, tạo ra bước tiến vượt bậc trong đời sống tinh thần của dân tộc. Vì sao? Vì có chữ quốc ngữ, có văn hóa Pháp, rồi triết học phương Tây dần dần hình thành nên ngôn ngữ đô thị, văn minh, hiện đại... Ngôn ngữ nhờ đó rất phát triển.
Nhiều năm qua chúng ta “quần chúng hóa” ngôn ngữ, ngôn từ đường phố được dùng tùy tiện. Báo chí lẽ ra phải góp phần phát triển ngôn ngữ, nhưng anh chị thấy đó, các trang mạng viết sai ngữ pháp, dùng từ ngữ tùy tiện cẩu thả. Hiện tượng này thậm chí có trên báo chí và truyền hình. Hệ thống ngôn ngữ không tốt làm chậm phát triển các lĩnh vực, ảnh hưởng đến văn chương, triết học, khoa học xã hội. Bởi con người tư duy thông qua ngôn ngữ, ngôn ngữ tốt thì suy nghĩ tốt. Ngôn ngữ của chúng ta giờ đi theo đường mòn lối cũ là chính. Ở đây tôi cũng muốn nhắc đến ngôn ngữ chính trị, khá nghèo nàn và đem sự nghèo nàn đó đi vào đời sống”.
Nói thầm với cháu nhỏ
Tặng Diệu Ngân
Cháu cứ vui tươi
Khôn lớn
Hôm nay ông bên cháu như một người
Mai ông bên cháu như cây cam, cây bưởi
Như trái núi đằng xa
Như con đường trước ngõ
Như đất và như hoa…
Ông và cháu
Dù ra đời trước sau
Luôn có mặt và trở thành vĩnh viễn.
(Vỹ Dạ, 22.8.2020)
Khi tiễn chúng tôi ra cổng, ông Điềm nói như tâm sự thay cho lời chia tay: “Sống để giác ngộ như ông Thích Ca, giác ngộ từng ngày là quý rồi”.
Duy Thông
__________
(1) Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947) tên thật là Công Nữ Đồng Canh, là nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, xã hội nổi tiếng, một nhà báo nữ hàng đầu ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bà là cháu nội vua Minh Mạng, con của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện.
(2) Quê nhà của Nguyễn Khoa Điềm.
(3) Còn gọi hạc cầm, một loại đàn nhiều dây có từ thời cổ ngày nay vẫn còn sử dụng.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ve-thon-vy-nghe-nguyen-khoa-diem-doc-tho-48018.html