Về Huế thăm nơi lưu dấu thời niên thiếu của Bác Hồ
Thừa Thiên Huế là nơi lưu dấu thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1895-1901 và 1906 -1909. Mảnh đất Cố đô chính là nơi hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Dịp lễ 2/9, những di tích gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế hấp dẫn người dân và du khách.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế được Bộ Văn Hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Đây là nơi đầu tiên, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình sinh sống tại Huế từ 1895 - 1901. Trong khuôn viên xanh mướt, mát lành, ngôi nhà nhỏ đơn sơ, còn lưu giữ những đồ vật ghi dấu bao kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Hồ.
Ông Vũ Chí Thành, du khách ở Hải Phòng rất xúc động khi xem những hình ảnh, kỷ vật về Bác. “Đây là một di tích lịch sử đáng ghi nhận rất lớn lao của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước nói chung đối với tình cảm Bác đã dành cho Huế, cũng như người dân Huế dành cho Bác”.
Một địa điểm đặc biệt khác gắn liền với Bác Hồ ở mảnh đất Cố đô Huế chính là Trường Quốc học Huế nằm trên đường Lê Lợi. Đây là ngôi trường chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành theo học trong lần thứ hai theo cha trở lại Huế vào năm 1906. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học sinh giỏi nhất Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị trung học tại Trường Quốc học khóa 1908-1909. Những năm tháng theo học tại ngôi trường này, Người có cơ hội tiếp thu tri thức mới và giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước.
Bức tượng đồng Nguyễn Tất Thành đặt giữa sân trường, khu nhà lưu niệm Bác Hồ và phòng truyền thống nằm trong khuôn viên nhà trường luôn là điểm đến hấp dẫn người dân, du khách. Trường Quốc học Huế được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Trải qua 128 năm hình thành và phát triển, thầy và trò Trường THPT chuyên Quốc Học luôn tự hào là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từng theo học, nơi góp phần bồi đắp nhân cách lớn, nhà lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế bày tỏ: “Để phát huy truyền thống của ngôi trường có bề dày lịch sử, đặc biệt là nơi Bác Hồ đã từng học, thầy và trò trường THPT chuyên Quốc Học Huế luôn nỗ lực hàng ngày học tập và làm theo lời bác, phát huy thế mạnh để đạt được những thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Chúng tôi rèn luyện các kỹ năng toàn diện, hội nhập, phát triển ngoại ngữ cho học sinh… Sau khi ra trường, học sinh trở thành những người hữu dụng, đóng góp xây dựng đất nước theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nằm ở 7 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, nơi lưu giữ, trưng bày hơn 18.000 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ trong suốt gần 10 năm Người cùng gia đình sinh sống, học tập ở Huế. Tại đây, người dân và du khách được giới thiệu, tìm hiểu thêm về lịch sử, cuộc đời, sự nghiệp của Người gắn liền với dân tộc và thời đại…
Bà Vũ Thị Ngân, du khách ở Hà Nội cảm nhận: “Nhìn những hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng này, tôi như sống lại với lịch sử. Đặc biệt, thời kỳ Bác sống ở đây thời niên thiếu, đến lúc đi học, rồi ra đi tìm đường cứu nước. Tôi càng cảm thấy trân quý công lao của Bác đã làm cho dân, cho nước”.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó 4 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ và 5 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có kho tàng di sản phi vật thể với hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian về Bác và hồi ức của chính Người...
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho biết: “Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện nay đang làm rất tốt công tác trùng tu tôn tạo, đặc biệt là phát huy giá trị của hệ thống di tích này. Trong dịp 2/9 này, Bảo tàng tiếp nhận các đoàn đến tham quan, dâng hoa. Đặc biệt là các lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn cũng được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong dịp này”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ tại tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành những điểm đến hấp dẫn hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến kết nối hành trình về nguồn của người dân Việt Nam vào những dịp lễ lớn của dân tộc.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ve-hue-tham-noi-luu-dau-thoi-nien-thieu-cua-bac-ho-post1118255.vov