Về đích đầu tiên, trước kế hoạch sản lượng mủ cao su
Năm 2023, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 là đơn vị xuất sắc về đích đầu tiên, trước kế hoạch sản lượng mủ cao su 24 ngày với năng suất bình quân gần 2,5 tấn mủ cao su quy khô/ha.
Để có kết quả này, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, phát huy nội lực, sức mạnh của đơn vị vào nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Tham quan vườn cây cao su xanh tốt của Đội 3 (Đoàn KT-QP 78), nếu không được Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, Đội trưởng Đội 3 giải thích thì không ai biết đây là vườn cây nhóm II chiếm đến 88% diện tích. Đội 3 cũng là đơn vị có tỷ lệ công nhân người dân tộc thiểu số cao (chiếm 84,93%) và tuyển mới năm 2023 chiếm trên 45%.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, khó khăn là vậy, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban chỉ huy Đoàn, Đội 3 đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá để ổn định lao động, nâng cao trình độ tay nghề đội ngũ thợ và chất lượng vườn cây, năng suất lao động, như: Bố trí, sắp xếp nơi ở thuận tiện và hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm ban đầu, một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân, dụng cụ lao động cho 100% lao động tuyển mới.
Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thợ khai thác theo phương pháp tập huấn đầu bờ, cầm tay chỉ việc, thợ cũ, thợ giỏi kèm cặp thợ mới, thợ trung bình, yếu. Phát động Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" gắn với thưởng tiền mặt cho những lao động tuyển mới trong 3 tháng đầu không bị xếp loại tay nghề kỹ thuật trung bình hoặc yếu...
Nhờ đó, trình độ tay nghề khá, giỏi của đội ngũ thợ đạt trên 97%, sản lượng mủ quy khô vượt kế hoạch năm 119%, năng suất bình quân đạt gần 2,2 tấn/ha, tăng 113% so với năm 2022; tập thể Đội 3 được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.
Năm 2023, Đội 2 (Đoàn KT-QP 78) đạt thành tích nổi bật với sản lượng mủ cao su quy khô vượt 122,83% kế hoạch giao, năng suất bình quân đạt hơn 2,6 tấn/ha. Đây là thành tích xuất sắc của một đơn vị chăm sóc, khai thác cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên.
Thiếu tá Văn Trọng Hùng, Đội trưởng Đội 2 cho biết, để đạt được kết quả đó, tập thể đơn vị đã đoàn kết, chấp hành và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, thường xuyên tập huấn đầu bờ các khâu công việc cho người lao động (NLĐ). Áp dụng những sáng kiến, giải pháp trong chăm sóc, khai thác trên vườn cây; tiết kiệm các loại vật tư và sử dụng có hiệu quả máng che mưa; sử dụng máy mở miệng cạo úp nhằm đẩy nhanh tiến độ, giảm áp lực công việc đầu mùa cạo cho NLĐ.
Thực hiện phương án khoán vật tư khai thác, sản lượng mủ cụ thể, công bằng, khách quan đến từng NLĐ và có các chính sách đãi ngộ để khuyến khích NLĐ tiết kiệm vật tư khai thác, nhận thêm cây cạo, phần cạo, tận thu các loại sản phẩm mủ cao su.
Đoàn KT-QP 78 hiện đang quản lý, chăm sóc, khai thác 3.219,15ha cao su với đội ngũ thợ khai thác 1.162 người. Quá trình SXKD, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ thợ luôn biến động và người dân tộc thiểu số chiếm trên 85%; khí hậu vùng biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) khắc nghiệt, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ đã tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, nhân viên, NLĐ và năng suất lao động.
Song, với quan điểm “không nói khó và không nói có nhưng không làm”, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đoàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy nội lực, sức mạnh của đơn vị vào nâng cao hiệu quả SXKD. Các giá trị về khối lượng, giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra, trong đó, giá trị sản xuất đạt 270,65 tỷ đồng, tương ứng với 116,75% kế hoạch năm; doanh thu đạt 283,37 tỷ đồng, tương ứng với 111,78% kế hoạch năm; bảo đảm thu nhập cho NLĐ hơn 9,3 triệu đồng/người/tháng.
Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78 tâm đắc chia sẻ: Thành công lớn nhất của Đoàn KT-QP 78 là tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong đơn vị. Qua đó huy động được hơn 5,5 tỷ đồng từ nguồn vượt sản lượng và các nguồn khác để bón phân cho vườn cây, bảo đảm vườn cây phát triển bền vững.
Tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại 938 thợ và tập huấn đầu bờ cho 100% thợ khai thác của đơn vị. Áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và nhiều sáng kiến của cán bộ, NLĐ vào SXKD. Đặc biệt, không chỉ năm 2023 mà trong suốt 25 năm xây dựng, trưởng thành ở vùng biên giới Kon Tum, Đoàn KT-QP 78 đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, chương trình an sinh xã hội với kinh phí hàng chục tỷ đồng để nâng cao thu nhập, đời sống của NLĐ, nhân dân trên địa bàn, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.