Vẫn lo giá thành kìm giữ ở mức cao sẽ làm ngành chăn nuôi 'khó thở'

Trong khi giá cả và đầu ra còn phập phù, sản phẩm khó cạnh tranh thì các nông hộ và doanh nghiệp chăn nuôi vẫn còn thường trực mối lo giá thành chăn nuôi tiếp tục kìm giữ ở mức cao. Liệu tồn tại này có được khắc phục phần nào trong năm 2024, đặc biệt là trong chính sách thuế nhập khẩu và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, để ngành chăn nuôi nội địa không phải rơi vào tình cảnh 'khó thở'.

Những dự đoán mới nhất cho thấy giá lợn hơi khó đạt mức 60.000 đồng/kg trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 khi mà thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng do tình hình thu nhập của nhiều người dân vẫn chưa cải thiện.

Nút thắt lớn từ chi phí thứ ăn

Tính đến thời điểm giữa tháng 1/2024, giá lợn hơi vào khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vào thời điểm cận Tết dự kiến cũng chỉ tăng khoảng 5 - 10%, thấp hơn so với mức khoảng 15% của các năm.

Chi phí thức ăn chiếm từ 70-80% chi phí sản xuất nguyên liệuvà hiện nay tăng 30-40% so với thời điểm trước Covid-19, khiến cho các DN ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đầu ra vào mùa tiêu thụ Tết Nguyên đán đang gặp không ít thách thức, giá cả phập phù thì giá thành chăn nuôi ở mức cao vẫn tiếp tục là mối lo của nông hộ và các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi.

Nhất là khi chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiện vẫn là nút thắt lớn, đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành chăn nuôi ở Việt Nam. Như với chăn nuôi lợn, thức ăn hiện chiếm khoảng 60% chi phí. Giá TĂCN hồi năm rồi tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã “cầm chân” nhiều nông hộ tái đàn.

Còn theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), riêng với ngành hàng cá tra, chi phí thức ăn chiếm từ 70-80% chi phí sản xuất nguyên liệu, bình quân mỗi năm tăng từ 10-15% và hiện nay tăng 30-40% so với thời điểm trước Covid-19. Bên cạnh nhiều vấn đề, thì giá nhập khẩu bã đậu tương sản xuất TĂCN tăng được cho là một cấu thành khiến chi phí thức ăn tăng.

Với ngành hàng tôm, theo Vasep, chi phí thức ăn chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30.000đ/kg nên khi tăng 3.000 - 5.000đ/kg thì xem như tăng 10-15%.

Ngoài chi phí thức ăn, thì chi phí điện tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao), tuy nhiên giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi tôm nguyên liệu.

Xét về giá TĂCN hồi năm rồi tuy có 5 đợt giảm giá, giảm khoảng 11% so với năm 2022, nhưng vẫn được cho là ở mức giá cao khiến cho giá thành chăn nuôi khó kéo giảm. Và theo kỳ vọng mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, giá TĂCN sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2024, để giảm nhẹ chi phí đầu vào cho các DN chăn nuôi và nông dân.

Thực ra, để kéo giảm giá TĂCN đòi hỏi giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là nhập khẩu) phải giảm. Như hồi năm 2023, giá nguyên liệu ước tính là giảm so với trung bình năm 2022, trong đó giá ngô giảm mạnh nhất là 12,5%. Tuy nhiên, so với thời điểm năm 2020 (trước tác động của đại dịch Covid), hiện nay, giá nguyên liệu TACN đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn 32-46% tùy loại.

Trong khi đó, giá lợn hơi xuất chuồng trung bình của cả năm 2023 đạt 53,8 nghìn đồng/kg, thấp hơn 3,2 nghìn đồng so với trung bình năm 2022. Điều này gây bất lợi lớn cho các DN, nông hộ chăn nuôi lợn.

Gần đây, theo dự phóng của Ngân hàng Thế giới (WB), giá nông sản toàn cầu (nguyên liệu chính làm TĂCN) sẽ giảm 6,5% trong năm 2024. Trong đó, nguồn cung ngô toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2024 do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn ở Argentina, Brazil và Mỹ, trong khi nguồn cung lúa mì sẽ ổn định ở mức ngang với năm 2023.

Mặc dù vậy, do nguyên liệu TĂCN phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nên giá cả sẽ khó tránh có có những diễn biến khó lường, đòi hỏi các nông hộ và DN chăn nuôi cần theo dõi sát sao.

Chờ những giải pháp trước mắt

Trước mối lo giá thành chăn nuôi còn ở mức cao, trong báo cáo vào tháng 1/2024 gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep, đã nêu rõ thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu – là một nhân tố chính khiến cho sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác.

Theo dự báo của bà Sắc, chi phí lớn và tăng cao của thức ăn chính là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm và cá tra trong năm 2024 này. Trong khi đó, tôm của Việt Nam sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá.

Chính vì vậy, vị chủ tịch Vasep tiếp tục có kiến nghị trong năm 2024 là giảm thuế nhập khẩu bã đậu tương để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0%. Ngoài ra, cần tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.

Cần nhắc lại, về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu bã đậu tương xuống 0% so với mức 2% như hiện hành, cần nhắc lại, hồi tháng 11/2023, Bộ Tài chính đã không đồng ý với đề xuất này với lý do là có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hướng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Như vậy có thể thấy để giảm giá nguyên liệu đậu tương thông qua giảm thuế như mong mỏi của DN chăn nuôi vẫn đang cần sự đồng thuận từ khâu chính sách.

Trong việc kiểm soát giá thành TĂCN hiện nay, vấn đề mà các DN sản xuất TĂCN vẫn còn loay hoay là đi tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu đầu vào. Nhất là khi thị trường nguyên liệu như ngô, sắn trong nước thiếu tổ chức khi phụ thuộc khá nhiều vào thương lái, đại lý. Điều này làm cho liên kết giữa người sản xuất và DN bị yếu, ngoài ra chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa cạnh tranh được với các nước nhập khẩu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các DN tìm tới nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Chính vì vậy, trong kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report đã chỉ ra 66,7% DN sản xuất TĂCN được hỏi đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong việc tổ chức và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN. Bên cạnh đó, có 57,1% DN được hỏi đã đề xuất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để đảm bảo kiểm soát được chi phí sản xuất TĂCN hiện nay.

Cần nhắc thêm, hồi tháng 12/2023, Chính phủ đã có Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TĂCN đến năm 2030. Trong đó có nhấn mạnh đến việc mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu TĂCN theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Suy cho cùng, trong khi chờ đợi tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, những mong mỏi trước mắt về việc giảm giá thành chăn nuôi trong năm 2024 của nông hộ, DN chăn nuôi và DN sản xuất TĂCN là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm để tiếp tục có những điều chỉnh thích hợp trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/van-lo-gia-thanh-kim-giu-o-muc-cao-se-lam-nganh-chan-nuoi-kho-tho-1097891.html