Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập
Đây là tên cuốn sách mới, tập hợp 75 bài viết đã in ở các báo, tạp chí, Trung ương và địa phương của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh từ hơn chục năm nay. Tuy sách chỉ là tập hợp các bài viết đã đăng trong thời gian gần đây nhưng điều đó nói lên sức làm việc, sự quan tâm và tình yêu với công việc một đời ông đã làm và say mê.
1. Đây là tên cuốn sách mới, tập hợp 75 bài viết đã in ở các báo, tạp chí, Trung ương và địa phương của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh từ hơn chục năm nay. Tuy sách chỉ là tập hợp các bài viết đã đăng trong thời gian gần đây nhưng điều đó nói lên sức làm việc, sự quan tâm và tình yêu với công việc một đời ông đã làm và say mê.
Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều này vì Nguyễn Hồng Vinh đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy quản lý Nhà nước về công tác tư tưởng, báo chí, lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Ông có thẩm quyền, có tư cách để viết về những vấn đề này ở cả góc độ chuyên môn và góc độ định hướng tư tưởng. Nhưng điều đáng quý hơn là tuy đã nghỉ hưu, nhưng đọc những bài in trong tập sách thì thấy ông thường xuyên bám sát những vấn đề của đời sống dân tộc, sự quan tâm nhiều mặt của ông trong lĩnh vực ông thông thạo và cả tình yêu và trách nhiệm công dân ông dành cho công việc này mới thấy ngọn lửa nghề, lửa lòng của ông vẫn luôn ấm áp và tỏa sáng. Đấy là những ghi nhận tích cực đầu tiên về tập sách này.
2. Như tên gọi một tập sách của ông “Người giữ lửa”, ở tập sách mới này, ngọn lửa định hướng tư tưởng, ngọn lửa nghề và những trăn trở của ông về văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập vẫn rất nồng nhiệt và tỏa hơi nóng trong tất cả các bài viết. Từ những bài viết mang tính định hướng, bàn về những vấn đề mang tầm vóc của nghề, theo những định hướng của Đảng và Nhà nước cho đến những bài giới thiệu sách của bạn bè, những lời tâm tình của ông nhân ý kiến của một bạn đọc gửi đến khi đọc thơ ông trên báo, người đọc cũng cảm nhận được điều này.
Và cũng như ông đã bộc bạch với nhà thơ Hồng Thanh Quang về lý do, duyên phận gắn ông với nghề Tuyên giáo, với công tác tư tưởng của Đảng, trong huyết quản của ông đã sẵn tố chất ấy. Nó trở thành một thế mạnh trong cuộc đời và nghề nghiệp của ông. Sự mẫn cảm và tình yêu với công tác này khiến ông tỏ ra nhanh nhạy và sắc sảo ở chỗ phát hiện vấn đề, bản lĩnh trong luận giải, tranh biện với những quan điểm sai trái của một số người bộc lộ những mặt bất cập khi nhìn cuộc sống và những vấn đề của công tác tư tưởng xuôi chiều, chưa thấy hết những khúc ngoặt, những phần bị che lấp sau cái ồn ào, bề bộn của cuộc đời nên có lúc tỏ ra giản đơn khi nhìn nhận những vấn đề vốn không dễ đánh giá đúng, sai trong một sớm một chiều.
3. Sách gồm ba phần, trong đó phần 1 được coi như là gắn trực tiếp với chủ đề tập sách có tên "Văn hóa còn thì dân tộc còn". Phần này gồm 35 bài viết tạo nên xương sống của tập sách. Những vấn đề cốt lõi của văn hóa, con người, xã hội, trách nhiệm của gia đình với tư cách là một thành tố của xã hội trong quá trình toàn cầu hóa đang vận động biến chuyển thế nào, cái gì khả thủ, cái gì cần điều chỉnh, truyền thống và cách tân trong lĩnh vực chỉ đạo xây dựng văn hóa, kế thừa và hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc, truyền thống Việt Nam, vai trò của văn học nghệ thuật khi tham gia xây dựng đạo đức xã hội, tạo sự vững chắc cho nền tảng tinh thần xã hội ở cả hai mặt xây và chống…; những bài học vừa mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa phương pháp luận cao trong các bài viết của Bác Hồ, của đồng chí Trường Chinh gắn với những nhiệm vụ cách mạng cụ thể, nhưng lại thể hiện tầm nhìn chiến lược, định hướng lâu dài v.v… được trình bày bài bản, có căn cứ, mang tính định hướng và chỉ đạo rất rõ, có thể giúp cho những người làm công tác tuyên truyền, tư tưởng dựa vào khi triển khai nhiệm vụ của mình.
Tính thiết thực của các bài viết ở đây không phải là những vấn đề lý luận hàn lâm, mà ở chỗ căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nguyễn Hồng Vinh nêu vấn đề, đánh giá thực trạng và bao giờ cũng rút ra những ý kiến thuộc về giải pháp, về cách khắc phục những hạn chế, bất cập. Vẫn là bàn về văn hóa, con người, đạo đức, gia đình; vẫn nói về công tác tư tưởng, về những định hướng mà văn học, nghệ thuật cần hướng tới, nhưng Nguyễn Hồng Vinh thường chọn cách tiếp cận từ thực tiễn, đánh giá thực tiễn, rồi từ đó mới đề xuất những cách giải quyết. Tính ứng dụng của văn hóa được vận dụng ở đây đã làm giảm bớt sự kinh viện, lý thuyết về những vấn đề này, mà tác giả thường chọn cách giải quyết vấn đề từ trong chủ trương, trong tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm quản lý lâu năm đã giúp ông giải quyết những vấn đề của văn hóa từ một góc nhìn thực tiễn khá thấu đáo.
Cũng như vậy, từ những bài viết cụ thể của Bác về Dân vận, Đời sống mới, từ quan điểm về báo chí và tuyên truyền của Bác, công tác tư tưởng, văn hóa của đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Hồng Vinh đã lý giải nhiều vấn đề thuộc bản chất của những vấn đề này mà đôi khi có nơi, có lúc nhiều người làm nghề do không nhận thức đúng nên khi tổ chức thực hiện đã rơi vào những thiếu hụt do đánh giá sai đối tượng, không nhìn thấy những vấn đề ấy như một thực thể đang vận động, luôn có sự kế thừa và loại trừ, bổ sung và đổi mới cho phù hợp với đời sống.
Ông còn cho rằng, đã đến lúc các tổ chức và cơ quan chuyên môn cần nghiêm túc “rà soát lại” chiến lược văn hóa của ngành mình, địa phương mình để nhìn thấy những yếu tố bất cập trong quá trình phát triển và kịp thời bổ sung những nội dung và quan điểm mới. Bởi thực tiễn cuộc sống vận động nhanh hơn, đòi hỏi chính sách về văn hóa và con người không được chậm hơn bản thân đời sống.
Góc nhìn này của tác giả là một thái độ đúng, đôi khi cũng có nhà chuyên môn đề cập nhưng chưa được chú ý. Nhưng giá như tác giả lý giải kỹ hơn vấn đề văn hóa và con người cả về góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn thì cuốn sách sẽ có ích hơn nữa đối với người làm nghề. Có lẽ tác giả cũng đã nhìn thấy điều đó khi ông cắt nghĩa sự tha hóa về đạo đức xã hội và tình trạng tham nhũng, thái độ trốn việc, sợ trách nhiệm của không ít cán bộ ở các cấp trong bộ máy nhà nước và chỉ ra sự cần thiết phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa, xã hội nhưng lại “quy” những điều đó từ góc độ tha hóa đạo đức con người.
Tôi cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề văn hóa và con người từ góc nhìn bản thể để điều chỉnh chính sách và giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng này, nghĩa là từ căn cứ xã hội, chứ không phải từ căn cứ đạo đức, từ góc nhìn của công tác tư tưởng và tuyên truyền.
4. Phần 2 và phần 3 ít gắn với chủ đề chính của cuốn sách hơn, nhưng lại là phần bộc lộ rõ hơn khía cạnh khác của con người Nguyễn Hồng Vinh. Hai phần này gắn với những kỷ niệm và thu hoạch một đời người và đời nghề của ông với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà báo lão thành, những bạn nghề, bạn văn chương và những ấn tượng sâu sắc xung quanh những chuyến đi của ông. Ở những bài viết này, nhiều chuyện chưa được kể về các nhân vật nổi tiếng, làm cho người đọc hiểu về họ hơn, về tác giả hơn.
Gần đây, có nhà báo đã cho rằng hiện có tình trạng khá phổ biến là có bài báo, nhưng không có tác giả với ý nghĩa người viết không thể hiện cá tính, không bộc lộ góc nhìn khi đưa tin, viết bài, không thấy chính kiến và trách nhiệm nghề nghiệp của người viết. Nguyễn Hồng Vinh không phải như vậy. Dù viết về những “vấn đề lớn”, hay kể lại những câu chuyện của các nhân vật nổi tiếng hoặc chỉ là lời tâm sự với bạn bè, sự sẻ chia nhân một tập thơ, một cuốn sách, ông cũng bộc lộ rõ thái độ của mình. Đó là những điều đáng trân trọng ở một người viết và quản lý. Người viết cần có chính kiến, nhưng người quản lý càng cần phải thể hiện chính kiến trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
5. Nói về một cuốn sách hơn 500 trang, lẽ ra còn phải viết dài. Nhất là các ưu điểm của nó. Nhưng ở đây, có một mong muốn nhỏ: giá như cuốn sách được bố cục chặt chẽ hơn, theo hướng chọn lọc và cô đọng hơn nữa thì chất lượng sẽ tốt hơn.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoa-va-con-nguoi-viet-nam-thoi-hoi-nhap-i697870/