Vaccine sốt xuất huyết - vũ khí phòng chống mới đã có mặt tại Việt Nam
Vaccine sốt xuất huyết do Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024 đang được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.
Trong hai ngày 26 và 27/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Takeda Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học "Vaccine: Vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết."
Mục tiêu của chuỗi hội thảo là cung cấp thông tin khoa học về chiến lược quản lý sốt xuất huyết Dengue mới và giới thiệu vaccine sốt xuất huyết đã có mặt tại các trung tâm tiêm chủng nhà nước và tư nhân.
Chuỗi hội thảo còn tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý y tế và kiểm soát bệnh, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các khả năng hợp tác trong phòng chống và kiểm soát dịch sốt xuất huyết Dengue.
Vaccine sốt xuất huyết do Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024 đang được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.
Chuỗi sự kiện khoa học tại hai thành phố thu hút gần 1.000 chuyên gia dịch tễ, dự phòng và điều trị tham gia, cùng với đại diện của các cơ quan nhà nước như Bộ Y tế, các Sở Y tế, các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật từ các tỉnh, thành phố, các viện đầu ngành về dự phòng, các bệnh viện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, các cơ quan ngoại giao và xúc tiến thương mại Nhật Bản, cùng các trung tâm tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên khắp cả nước.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. Bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng.
Sốt xuất huyết Dengue hiện đang lưu hành tại hơn 100 quốc gia, với khoảng 390 triệu ca nhiễm mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu tăng gấp 30 lần trong 50 năm do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhiều điều kiện thuận lợi cho di chuyển và lưu thông hàng hóa.
Theo WHO, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ sốt xuất huyết. Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết Dengue đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không còn mang tính chu kỳ, có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.
Nếu trước đó, trong giai đoạn 1980-2018, Việt Nam ghi nhận đỉnh dịch 10 năm một lần, thì riêng giai đoạn 2019-2023, Việt Nam trải qua 2 đỉnh dịch vào năm 2019 (với hơn 300.000 ca) và năm 2022 (361.813 ca).
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Trước đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Nhưng gần đây, tháng nào các cơ sở y tế cũng ghi nhận các ca bệnh, bao gồm cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, nếu trước đây các ổ dịch thường tập trung tại khu vực miền Trung và Nam thì nay, sốt xuất huyết đã dần được ghi nhận ở các tỉnh phía Bắc. Thực trạng này cho thấy cần phải gia tăng nguồn lực và bổ sung biện pháp dự phòng sốt xuất huyết chủ động như tiêm chủng khi có vaccine."
Với vai trò là đồng chủ tọa của hội thảo tại Hà Nội, Viện trưởng Viện sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Phan Trọng Lân cho biết: "Trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên ngành và người dân Việt Nam đã rất nỗ lực để đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong. Việc đưa vaccine sốt xuất huyết Dengue vào sử dụng cùng các biện pháp dự phòng truyền thống như kiểm soát véctơ, phòng chống muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là một bước tiến quan trọng đối với công cuộc phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Chiến lược phòng ngừa tích hợp này, nếu hiệu quả, sẽ giúp giảm gánh nặng của dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đối với người dân và hệ thống y tế, từ đó đóng góp nhiều lợi ích cho các hoạt động kinh tế-xã hội khác.”
Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, đồng chủ tọa của hội thảo tại Hà Nội cho biết: "Sốt xuất huyết không chỉ mang nhiều nguy cơ gây biến chứng nặng như sốc, xuất huyết nặng, suy tạng hoặc tử vong mà còn đặt áp lực lên từng cá nhân, gia đình và hệ thống y tế. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, bệnh tăng nặng khó đoán khiến việc điều trị đặc biệt khó khăn. Vì thế, chúng ta cần có một chiến lược phòng ngừa mạnh mẽ và chủ động hơn để giảm thiểu gánh nặng từ căn bệnh này."
Tại hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Veerachai Wattanaveeradej, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine tại Bệnh viện Bangkok Phram kiêm Giám đốc Ban Điều hành, Đại học Hoàng gia Nhi khoa và Hiệp hội Nhi khoa Thái Lan, đã trình bày về hồ sơ an toàn và giám sát sau tiêm chủng sốt xuất huyết từ kinh nghiệm thực tế của Thái Lan - một trong top 30 quốc gia chịu hậu quả nặng nề từ sốt xuất huyết Dengue.
Đại diện Takeda, bác sỹ Derek Wallace, Chủ tịch Toàn cầu Vaccine, Tập đoàn Dược phẩm Takeda đã trình bày về ứng dụng giải pháp mới trong chiến lược toàn diện về phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên thế giới.
Vaccine sốt xuất huyết Dengue của Takeda đã được Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược (SAGE) khuyến nghị sử dụng cho các quốc gia đang nằm trong vùng dịch tễ và có mức độ dịch lưu hành cao nhằm tối đa hóa hiệu quả dự phòng sốt xuất huyết cho cộng đồng.
Bác sỹ Derek Wallace chia sẻ: “Mặc dù áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiện tại là cần thiết, việc bổ sung giải pháp vaccine với khả năng dự phòng phủ rộng đã đánh dấu một bước đột phá trong cuộc chiến phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Vaccine sốt xuất huyết của Takeda ra đời là một bước tiến quan trọng trong hành trình thực hiện sứ mệnh phát triển các vaccine mới nhằm giải quyết những thách thức y tế khó khăn nhất, giúp cải thiện cuộc sống người dân trên toàn cầu của Takeda. Việc Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng vaccine sốt xuất huyết Dengue của Takeda cho thấy vaccine này nên được sử dụng như một công cụ quan trọng trong chiến lược tích hợp giúp giảm thiểu mối đe dọa toàn cầu của sốt xuất huyết Dengue.”
Ông Dion Warren, Tổng Giám đốc khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á tại Takeda, phát biểu: “Hợp tác liên ngành đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống sốt xuất huyết. Takeda vô cùng tự hào vì đã được chung tay cùng với các cơ quan nhà nước, các chuyên gia y tế, các hội y khoa, các trường đại học và viện nghiên cứu cũng các đối tác khác trong cuộc chiến phòng ngừa sốt xuất huyết tại Việt Nam. Trước các rủi ro y tế lớn do sốt xuất huyết gây ra trong nước, chiến lược tích hợp sử dụng vaccine sốt xuất huyết như một công cụ bổ sung cho các công cụ hiện tại sẽ là một hy vọng lớn. Chúng ta có thể lạc quan về một tương lai mà ở đó các chiến lược dự phòng toàn diện sẽ giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và trên thế giới.”
Ngoài ra, triển lãm "Hành trình ba thập kỷ phòng, chống sốt xuất huyết" đã được tổ chức ngay trước thềm chuỗi sự kiện nhằm tri ân và ghi nhận nỗ lực trong nghiên cứu sốt xuất huyết Dengue, quản lý, phòng ngừa, điều trị, giám sát và đáp ứng dịch của hệ thống y tế cũng như các cơ quan liên ngành khác.
Chủ trì triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và tại Hà Nội là Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Sinh Nam, Chánh văn phòng, Hội Y học Dự phòng Việt Nam, cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, nguyên Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế./.
Vaccine sốt xuất huyết dengue của Takeda hiện đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Brazil, Argentina, Colombia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Tại Brazil, Argentina và Indonesia, người dân có thể tiếp cận vaccine này trong chương trình tiêm chủng quốc gia và khu vực. Ngoài việc được Tổ chức Y tế Thế giới ra khuyến nghị sử dụng, vaccine của Takeda cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định. Điều này cho thấy vaccine đã được đánh giá là có chất lượng và được tin chọn là một công cụ dự phòng quan trọng và phù hợp với các chương trình tiêm chủng đại trà.