Ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa trường lớp vùng đặc biệt khó khăn
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 4891/BGDĐT-GDDT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục dân tộc.
Theo đó, nhiệm vụ chung với giáo dục dân tộc trong năm học mới là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngành cũng tập trung triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục khu vực này, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường dự bị đại học. Cùn với đó là việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Về nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn của Bộ lưu ý vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học; nâng cao chất lượng giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị T80. Trong năm học 2023-2024, ngành tăng cường dạy học tiếng dân tộc thiểu số, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt nhiệm vụ việc thực hiện tốt chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.