Đề xuất cấm nhà giáo phân biệt đối xử học sinh

Nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức là một trong những đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà giáo.

 So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức.

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài điều này, dự thảo liệt kê 5 nội dung nhà giáo không được phép làm. Cụ thể, nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức.

Nhà giáo không được gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học. Không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức hoặc ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà giáo không được lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo; các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến băn khoăn về quy định trên vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhận định quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo kế hoạch, ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Sau đó, bộ trưởng GD&ĐT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/de-xuat-cam-nha-giao-phan-biet-doi-xu-hoc-sinh-post1510517.html