Ước nguyện hòa bình cho muôn đời sau

Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị cũng là lễ hội đầu tiên của cả nước nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Người dân đến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: N.V

Người dân đến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: N.V

Quảng Trị đã một thời làm cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kinh hoàng trên các mặt trận Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Thành Cổ...Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Trị đã có hơn 20 năm là tuyến lửa. Ở đây đã xuất hiện hàng loạt sự tích anh hùng cùng nhiều địa danh lừng lẫy chiến công, biểu tượng cho chí khí quật cường, quả cảm và niềm tự hào lớn lao của dân tộc ta.

Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú và đồ sộ mang tính đặc thù, độc đáo trong toàn bộ hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải có 10.263 mộ chí, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.420 chiến sĩ và trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 có biết bao người lính đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Nhà thơ Tố Hữu về thăm Quảng Trị sau ngày giải phóng đầu năm 1973 đã khái quát sự tàn phá của Mỹ-ngụy bằng mấy câu thơ: “Anh về Quảng Trị, Gio Linh/ Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang/ Bời bời cỏ lút đồng hoang/ Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn/ Tả tơi mấy ấp khu dồn/ Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!”.

Quảng Trị đã chịu quá nhiều đau thương mất mát khó tả hết thành lời, chỉ biết rằng đâu đâu cũng hằn sâu vết thương chiến tranh khốc liệt dù đã hơn 50 năm trôi qua. Thời gian qua, vào các ngày lễ, tết của quê hương, đất nước, trong đó có lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Thương binhLiệt sĩ nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Chị Nguyễn Thị Lan, người dân Phường II, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “May mắn được sinh sống gần Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị nên tôi thường xuyên tham gia các lễ tri ân anh hùng liệt sĩ, qua đó truyền dạy cho con cái về truyền thống hào hùng của ông cha trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ non sông đất nước.

Tôi rất háo hức chờ mong được tham gia Lễ hội Vì Hòa bình năm nay với nhiều hoạt động tri ân, cầu nguyện anh linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát. Lễ cầu siêu là dịp nói lên tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn trước công lao của các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc".

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với nhiều chương trình, trong đó có chương trình “Ước nguyện hòa bình” diễn ra tại bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra; bồi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước cho người dân Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Văn Hiệt cho biết, Ban Tôn giáo tỉnh luôn hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo sinh hoạt tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ, bảo đảm tuân thủ pháp luật, phát huy truyền thống yêu nước gắn bó, đồng hành với dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương.

Đối với Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 do tỉnh tổ chức, Ban Tôn giáo tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, giúp đỡ để các tôn giáo tích cực tham gia vào lễ hội nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh, những người có công với nước trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tại buổi lễ, sau tiếng chuông ngân vang là các hoạt động cầu siêu, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an...

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/uoc-nguyen-hoa-binh-cho-muon-doi-sau-185823.htm