Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2025 về tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Ảnh: ST
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 (sau đây viết gọn là Luật) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 với nhiều nội dung mới.
Qua 3 tháng triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đạt được kết quả tích cực, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đã được kiềm chế; ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn đã được nâng cao, bước đầu hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu áp dụng, triển khai Luật, bên cạnh sự đồng tình của nhân dân với việc siết chặt kỷ cương, pháp luật về an toàn giao thông, vẫn còn một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị thông tin sai sự thật về các quy định của Luật, tạo dư luận trái chiều về các quy định trong Luật.
Với mục tiêu, yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông văn minh, hiện đại trong nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp.
Hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông trong nhân dân
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành để hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông trong nhân dân, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục; không vì dư luận trái chiều của một bộ phận đối tượng cơ hội chính trị, chống đối mà giảm quyết tâm với mục tiêu, yêu cầu đã đề ra là kéo giảm thiệt hại tính mạng, sức khỏe của người dân, xác định đảm bảo an ninh, an toàn của người dân phải được đặt lên "trước hết, trên hết".
Lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, ủng hộ thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2025 của Chính phủ.
Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát hành lang pháp lý liên quan công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để tham mưu sửa đổi, bổ sung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là các trường hợp vi phạm pháp luật đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ; quản lý, vận hành sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới để xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Tổ chức thực hiện việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông, vận tải như: Sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả của phương tiện và người điều khiển phương tiện; vi phạm xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái xe, đăng ký xe
Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông giữa Bộ Công an với các bộ, ngành có liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, số hóa dữ liệu; thay đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang môi trường điện tử, quản trị hoạt động của lực lượng chức năng, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái xe, đăng ký xe, đấu giá biển số xe cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đối với phương tiện kinh doanh vận tải, dữ liệu công trình kiểm soát tải trọng xe để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm theo thời gian thực.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các nội dung chính của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, chấp hành quy tắc giao thông, các quy định đối với trẻ em khi tham gia giao thông. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu rõ các nhiệm vụ quan trọng khác của các Bộ, ngành có liên quan./.