Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chè dưới tán hồi

– Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia” do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng triển khai đã giúp người dân tiếp cận với phương thức canh tác, sản xuất khoa học. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè dưới tán hồi, từng bước phát triển bền vững vùng sản xuất chè trên địa bàn huyện.

Thành viên nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn hộ gia đình tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia về quy trình chế biến chè dưới tán hồi

Thành viên nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn hộ gia đình tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia về quy trình chế biến chè dưới tán hồi

Mô hình trồng chè dưới tán hồi được triển khai tại huyện Bình Gia từ năm 2015, đến nay, toàn huyện có khoảng 100 ha. Tuy mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể song việc nhân rộng và phát triển bền vững mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những vấn đề liên quan đến cây giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy đây là vấn đề cần được quan tâm, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia” vào nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 và tuyển chọn nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Tất Khương, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ nhiệm đề tài, triển khai từ tháng 7/2022.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Tất Khương cho biết: Chè dưới tán hồi có hương vị đặc biệt, khi uống dư vị lưu giữ trong cổ họng rất lâu. Tuy nhiên, nhược điểm là chè trồng bằng hạt nên chất lượng cây giống không đồng nhất. Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai đề tài là hoàn thiện quy trình sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm chè dưới tán hồi theo hướng an toàn, bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng được một số mô hình sản xuất bền vững sản phẩm chè dưới tán hồi.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã đưa một số giống chè xanh có năng suất, chất lượng cao để thay thế chè được trồng từ hạt nhằm nghiên cứu khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của các giống cây. Cùng đó, tiến hành xác định thời vụ trồng thích hợp cũng như ảnh hưởng của độ râm tán hồi đối với sự phát triển của cây chè; nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật hong héo đến chất lượng sản phẩm; các biện pháp lấy hương chè thành phẩm… Kết quả bước đầu cho thấy, sau 1 năm trồng thử nghiệm số cây sống, sinh trưởng, phát triển tốt đạt hơn 95%; cây chè trồng vào vụ Xuân và vụ Thu cho tỷ lệ sống cao; biện pháp tỉa cành hồi có ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng và sâu bệnh hại trên cây chè; sử dụng phân hữu cơ Nano UPLML giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ búp dày, đồng đều và có tác dụng cải tạo đất.

Cùng đó, đề tài đã hỗ trợ 35 hộ dân trên địa bàn huyện xây dựng mô hình trồng mới bằng giống chè xanh chất lượng cao dưới tán hồi với diện tích 11 ha tại thị trấn Bình Gia, xã Mông Ân, xã Tân Văn và mô hình sản xuất chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 15 ha tại thị trấn Bình Gia, xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn; hỗ trợ 1 hộ gia đình thiết bị kỹ thuật chế biến chè dưới tán hồi… Thông qua hướng dẫn kỹ thuật của nhóm nghiên cứu, các hộ tham gia đề tài đã chủ động học hỏi và tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất mà năng suất, chất lượng và giá trị chè dưới tán hồi được nâng lên.

Ông Phùng Văn Khiêm, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2022, gia đình tôi được nhóm triển khai dự án hỗ trợ 300 cây chè và vật tư, phân bón để sản xuất chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, tôi còn được hỗ trợ lắp đặt máy vò chè, máy sao chè, máy hút chân không. Sau khi trang bị máy móc, các nhà khoa học trực tiếp hướng dẫn sử dụng các loại máy và kỹ thuật chế biến chè xanh. Nhờ đó, chè thành phẩm có sự đồng nhất về hình thức, chất lượng được nâng lên. Giá bán đạt 200 – 300 nghìn đồng/kg (chè khô), cao gấp đôi so với những sản phẩm thông thường.

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sau hơn 1 năm tham gia thực hiện theo Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia”, các hộ dân đã chủ động học hỏi, bước đầu tiếp cận và làm chủ một số kỹ thuật mới trong chăm sóc, chế biến chè và áp dụng một số phương pháp kỹ thuật vào sản xuất. Tháng 6/2023, sở đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai đề tài. Qua kiểm tra cho thấy, các thí nghiệm được bố trí và thực hiện phù hợp với yêu cầu; tại các mô hình cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, chất lượng được nâng cao. Hiện nhóm thực hiện đề tài tiếp tục theo dõi các mô mình, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chè dưới tán hồi.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia” tiếp tục được triển khai từ nay đến năm 2025. Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu xác định thời vụ đốn chè giai đoạn thu hoạch búp; kỹ thuật hái chè, kỹ thuật hong héo, lấy hương chè… để xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè dưới tán hồi.

Chè dưới tán hồi là sản phẩm đặc trưng của huyện Bình Gia được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Những năm gần đây, sản phẩm chè dưới tán hồi đã mang lại nguồn thu nhập thiết thực cho người dân trên địa bàn huyện

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/598386-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-che-duoi-tan-hoi.html