Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi cá thâm canh

Với nhiều ưu điểm vượt trội như vận hành tự động, dễ dàng quản lý từ xa, quản lý tốt dịch bệnh, môi trường nước, mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến trong nuôi cá nước ngọt thâm canh..., mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi cá thâm canh đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi số của địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá nước ngọt thâm canh giúp gia đình ông Đàm Văn Sơn, xã Đại Tự (Yên Lạc) nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.

Có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản nhưng mãi đến năm 2022, ông Đàm Văn Sơn, xã Đại Tự (Yên Lạc) mới được tiếp cận công nghệ nuôi cá thâm canh. Đến nay, sau hơn 1 năm trải nghiệm, ứng dụng hệ thống cảm biến trong nuôi cá nước ngọt thâm canh, ông Sơn không còn phải lo lắng nhiều về chỉ số oxy hòa toan, độ PH, nhiệt độ nước trong ao nuôi, không phải canh giờ giấc để bật máy sục khí mỗi khi thời tiết thay đổi.

Nhờ hệ thống cảm biến, ông Sơn đã theo dõi, kiểm soát được các yếu tố môi trường nước, quản lý các chỉ số chất lượng nước trong ao nuôi và chủ động cài đặt, hẹn giờ, điều khiển từ xa để điều chỉnh môi trường nước thông qua chiếc điện thoại thông minh đã cài đặt mạng internet.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Sơn cho biết: " Áp dụng quy trình nuôi cá thâm canh kết hợp vận hành hệ thống cảm biến sẽ giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường và sự phát tán mầm bệnh, nâng cao hiệu quả phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, tăng mật độ trên một đơn vị diện tích từ đó tăng năng suất và sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế.

Với những lợi ích thiết thực trên, thời gian tới, tôi rất mong các cấp, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình cho diện tích ao nuôi còn lại của gia đình và các hộ nuôi cá nước ngọt trên địa bàn, góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững".

Từ năm 2017 - 2018, anh Phạm Văn Tấn, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đã ứng dụng máy sục khí oxy trong nuôi cá nước ngọt. Đến năm 2020, anh mạnh dạn đầu tư máy cho cá ăn tự động và năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến nuôi cá nước ngọt thâm canh. Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi thủy sản không chỉ giúp anh dễ dàng hơn trong việc chăm sóc cá mà còn nâng cao hiệu quả, năng suất trên cùng 1 đơn vị diện tích ao nuôi.

Anh Tấn chia sẻ: "Theo phương pháp nuôi cá truyền thống, việc đánh giá môi trường nước chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm và nhìn trời đoàn thời tiết, do đó độ chính xác, kịp thời không đảm bảo, dẫn đến số lượng, năng suất thấp.

Từ khi ứng dụng hệ thống cảm biến kết hợp máy cho cá ăn tự động, tôi dễ dàng kiểm soát được các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, chỉ số oxy hòa tan, độ PH, nhiệt độ nước. Những ngày thời tiết nắng, nóng như hiện nay, tôi có thể cài đặt để hệ thống tự điều chỉnh tạo thêm oxy cho cá, bơm nước để làm mát, bổ sung cho ao nuôi.

Cùng với đó, người nuôi dễ dàng theo dõi được lượng cá để đưa thức ăn xuống theo tỷ lệ thích hợp, tránh thất thoát, dư thừa mà vẫn đảm bảo cá phát triển đồng đều. Hiện nay, với 5 ha ao nuôi, sản lượng thu hoạch đạt từ 50 - 60 tấn/năm, tăng gấp đối so với trước đây, thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm".

Vĩnh Phúc có gần 7.000 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Với mục tiêu phát triển thủy sản theo nhiều hình thức, phương thức, đa dạng hóa đối tượng nuôi; nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển thủy sản.

Riêng năm 2022, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai hỗ trợ 100 ha nuôi ao và 1.600 m3 nuôi lồng, bể các đối tượng thủy sản chủ lực, đối tượng thủy sản có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 6 hộ xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh cao.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 30 nông dân trong và ngoài mô hình về kỹ thuật nuôi thâm canh cá nước ngọt và ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước, giúp các hộ nuôi nắm vững kiến thức, tăng cường áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Nhờ đó, ngành thủy sản của tỉnh đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh theo hướng hiện đại. 5 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản trên toàn tỉnh ước đạt 9.784,3 tấn, tăng 2,74%, (+260,65 tấn).

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, góp phần tạo động lực cho các hộ đầu tư, mở rộng sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất.

Xây dựng mô hình thử nghiệm các đối tượng giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao để bổ sung vào cơ cấu giống nuôi, đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95260//ung-dung-cong-nghe-40-trong-nuoi-ca-tham-canh