UNCLOS tạo cơ sở để chúng ta vững tin phát triển
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, chuyên gia uy tín về biển và đại dương, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi nhận định: Ở thời điểm ra đời, UNCLOS là một 'hiện tượng trong đời sống pháp luật của nhân loại'. UNCLOS đã trao cho Việt Nam quyền tự chủ, trên cơ sở đó chủ động lập kế hoạch khai thác tài nguyên biển, cân bằng được quyền và lợi ích quốc gia.
- Xin ông cho biết, sau 40 năm mở ký, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã phát huy tác dụng như thế nào?
- về giải quyết các tranh chấp biển, UNCLOS đã giúp giải quyết được khoảng gần một phần hai trong tổng số 500 vùng biển chồng lấn. Với 168 thành viên, chưa kể nhiều quốc đảo và vùng lãnh thổ không là thành viên chính thức cam kết tuân thủ (ngay cả Mỹ tuy không tham gia nhưng trong các tuyên bố của mình vẫn lấy UNCLOS làm trục cơ sở), UNCLOS không giải quyết chi tiết mọi vấn đề biển, nhưng là căn cứ để thống nhất xử lý các vấn đề biển đã, đang và sẽ nảy sinh.
Không chỉ tích cực tham gia quá trình đàm phán xây dựng UNCLOS, Việt Nam còn là một trong các nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn UNCLOS. Ngày 16/11/1994, UNCLOS chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Cùng với việc phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam cũng phê chuẩn một số công ước biển chuyên ngành về hàng hải quốc tế; cứu hộ trên biển, mớn nước, phòng chống ô nhiễm biển…
Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là với UNCLOS, Việt Nam không chỉ theo đuổi quyền lịch sử, mà còn theo đuổi cả quyền pháp lý; phù hợp với đặc trưng, thế và lực của Việt Nam. Là thành viên chính thức của UNCLOS, chúng ta được hưởng đầy đủ các quyền trong vùng biển từ 200 hải lý trở vào, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với việc đó thì ta cũng được hưởng quy định, quy chế về quyền khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là UNCLOS cũng còn những hạn chế nhất định, có thể nói một cách đơn giản là vẫn còn để lại những "khoảng trống" về không gian đại dương theo cách tiếp cận mới. Chẳng hạn, đối với không gian đáy đại dương thì UNCLOS mới điều chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản; còn những hành vi khác, như tàu lặn ngầm, khảo sát ngầm, du lịch ngầm… vẫn bỏ ngỏ. Tôi cũng đã tham gia ý kiến gần chục năm nay với hy vọng là trong thời gian tới Công ước này được điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm công bằng hơn về quyền sử dụng các nguồn tài nguyên biển cho những quốc gia, kể cả có biển hoặc không có biển; tất nhiên đi kèm với nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
- Trước khi có UNCLOS, Việt Nam đã có những tuyên bố về chủ quyền biển cũng như đã có những định hướng khai thác tài nguyên biển, thưa ông?
- Tất nhiên là thế. Năm 1982, UNCLOS mới mở ký, nhưng trước đó khá lâu, Việt Nam đã ra tuyên bố về các vùng biển, mặc dù đến năm 1982, với UNCLOS, chúng ta mới tuyên bố được đường cơ sở, được quốc tế công nhận rộng rãi. Do đã có giai đoạn thực hiện quản lý biển khá dài, nên khi nội luật hóa UNCLOS thành Luật Biển 2012, chúng ta đã có cơ sở thực tiễn để cân nhắc, thiết kế một đạo luật hài hòa lợi ích của mình với các nước khác trong khu vực.
- UNCLOS đã tạo nền tảng pháp lý cho kinh tế biển của Việt Nam phát triển cụ thể như thế nào?
- UNCLOS tạo cơ sở để chúng ta vững tin phát triển lĩnh vực dầu khí như một ngành kinh tế tiên phong, và đến nay vẫn là một ngành then chốt trong sáu lĩnh vực kinh tế biển cơ bản của đất nước. Tương tự với đánh bắt hải sản. Còn nhiều vấn đề với ngành này, nhưng chúng ta cũng đã phát triển được nghề cá thương mại, đánh bắt với quy mô lớn, bài bản, song song với nghề cá truyền thống vốn đã tồn tại lâu nay. Một số lĩnh vực khác phát triển sau nhưng cũng rất hứa hẹn như hàng hải; du lịch biển; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, năng lượng tái tạo… Tóm lại, UNCLOS trao cho ta quyền pháp lý đi kèm với quyền được khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế biển.
Trên cơ sở UNCLOS, một dấu mốc không thể không nhắc đến là Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Có thể nói đây là lần đầu Trung ương ban hành một chiến lược riêng, thể hiện ý chí biển cả của dân tộc, hòa nhập với xu hướng thế giới nhìn nhận thế kỷ 21 là "thế kỷ của đại dương". Tiếp đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 22/10/2018 đã định hướng tầm nhìn chiến lược biển, lấy trục phát triển bền vững là chính.
- Biển Đông được coi là một trong những khu vực biển năng động nhất trên thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, vươn lên trở thành cường quốc biển, theo ông, đâu là những yếu tố then chốt trong điều kiện "thế và lực của Việt Nam", như ông đã vừa đề cập đến?
- Chú trọng phát triển cả ba khu vực kinh tế có liên quan đến biển: kinh tế ven biển, kinh tế dựa vào biển và kinh tế thuần biển theo tinh thần phát triển bền vững. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã chỉ ra thêm một số lĩnh vực có tiềm năng, như năng lượng biển tái tạo, đồng thời để ngỏ "các ngành kinh tế biển mới" để các địa phương tùy tình hình cụ thể mà phát huy tinh thần năng động, sáng tạo.
Cụ thể, đến năm 2030, du lịch biển vẫn là lĩnh vực mũi nhọn, vừa dựa trên thế mạnh sẵn có của một quốc gia biển, vừa là phù hợp với bối cảnh Biển Đông. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế xa bờ, gắn liền với bảo vệ chủ quyền dân sự, trong đó có năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Việt Nam cũng sở hữu băng cháy, tuy không phải là năng lượng tái tạo, nhưng cũng là một tài nguyên tiềm tàng, có thể tính toán khai thác một cách có trách nhiệm. Tôi nói "có trách nhiệm", vì phải có công nghệ và hạ tầng thích hợp để khai thác, bảo quản không làm phóng thích vào khí quyển các loại khí nhà kính trong quá trình khai thác, vận chuyển và đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, qua nghiên cứu về các đô thị biển gần đây, tôi cho rằng, việc quy hoạch phát triển hợp lý các đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị trên biển có khả năng tạo ra những động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhưng dù làm gì đi nữa, thì khoa học công nghệ tiên tiến vẫn là yếu tố tiên quyết. Không thể đem thuyền thúng đi "chinh phục" đại dương được.
- Vâng, chuỗi đô thị ven biển của 28 tỉnh, thành phố thì tương đối dễ hình dung, ông có thể nói rõ hơn về đô thị đảo và đô thị trên biển?
- Hiện ta đã có Phú Quốc là một mô hình đô thị đảo, sắp tới có thể phát triển ở một số đảo lớn khác, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Đô thị trên biển là viễn cảnh xa hơn, nhưng nhiều quốc gia cũng đã làm rồi, như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Nhật Bản… Cá nhân tôi cho rằng cũng rất nên quan tâm đến mô hình đô thị ngầm dưới lòng biển. Nhiều nước trong khu vực cũng đã làm các "thủy cung" như những thử nghiệm ban đầu.
- Có khả thi với Việt Nam hiện nay không, vì sẽ cần đến những khoản chi phí khổng lồ và công nghệ rất hiện đại, thưa ông?
- Đừng chỉ nghĩ tiền túi. Trong một "thế giới phẳng", có chính sách mở, có dự án thuyết phục, đủ sức hấp dẫn là sẽ có tiền. Khoa học công nghệ cũng thế. Có chính sách khôn ngoan thì chúng ta sẽ làm được.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/unclos-tao-co-so-de-chung-ta-vung-tin-phat-trien-post727814.html