Ukraine phủ bóng lên các cuộc bầu cử ở châu Âu

Giao tranh giữa Nga và Ukraine đang chi phối và làm ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử lớn ở châu Âu, trong đó có bầu thủ tướng Hungary và tổng thống Pháp trong tháng 4 này.

Trong tháng 4, châu Âu có hai cuộc bầu cử lớn. Tại Hungary, ông Viktor Orban giành chiến thắng và nắm chức thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, cử tri Pháp sẽ ra quyết định lựa chọn Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron hay một người lãnh đạo mới.

Thông thường, những chiến dịch tranh cử sẽ tập trung vào vấn đề cấp quốc gia, thúc đẩy các chương trình nghị sự trong nước như kinh tế, nhập cư và ứng phó đại dịch. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã làm lu mờ tất cả điều đó.

Đột nhiên, cuộc bầu cử ở Pháp trở thành vấn đề về ai là người lãnh đạo giỏi nhất để vượt qua xung đột lớn đầu tiên của châu Âu trong nhiều thập niên. Ở Hungary, cuộc bầu cử chuyển hướng thành cuộc tranh luận về chiến tranh và hòa bình, giữa chính sách Đông và Tây.

Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền chính trị châu Âu. Đức từ bỏ điều cấm kỵ với chi tiêu quốc phòng, Phần Lan và Thụy Điển đang suy nghĩ lại lập trường đối với Nga và NATO, và Ba Lan đang chuyển mình từ “kẻ ngoài cuộc” thành đối tác tin cậy ở Brussels, theo Atlantic.

Hai cuộc bầu cử này sẽ đưa ra thêm dấu hiệu về việc người dân lục địa già - vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng ngày càng tăng và hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine - đang phản ứng với cuộc chiến dường như còn lâu mới kết thúc.

Thay đổi hoàn toàn chiến dịch bầu cử

Kết quả rõ ràng nhất được nhìn thấy ở Hungary. Trong nhiều tháng, cuộc bầu cử này chủ yếu được đóng khung như cuộc trưng cầu dân ý về ông Orban. Đây được coi thách thức lớn nhất đối với vị trí lãnh đạo của ông trong hơn một thập niên.

Không giống như các cuộc bầu cử trước, khi ông phải đối mặt với phe đối lập gần như rạn nứt, lần này ông Orban cạnh tranh với liên minh gồm 6 đảng tập hợp lại. Mục tiêu rõ ràng của liên minh này là chấm dứt quyền lãnh đạo của thủ tướng Hungary. Theo lời phe đối lập, “đây là cuộc bầu cử nhằm cứu nền dân chủ Hungary khỏi sự chuyên quyền của ông Orban”.

Đối với đảng Fidesz cầm quyền, chủ đề chính là “bảo tồn Hungary như cách bảo vệ các giá trị truyền thống và ngăn chặn sự can thiệp từ cái gọi là cánh tả quốc tế”.

Chiến sự khơi mào cho một cuộc khủng hoảng tại lục địa và đưa hàng triệu người Ukraine tị nạn sang các nước láng giềng, bao gồm cả Hungary, cả ông Orban và các đối thủ phải nhanh chóng điều chỉnh thông điệp.

“Ukraine đã thay đổi hoàn toàn chiến dịch bầu cử”, András Bíró-Nagy - Giám đốc Tổ chức tư vấn Giải pháp Chính sách ở Budapest - nói.

Trong khi phe đối lập lợi dụng việc ông Orban là một đồng minh thân thiết của Nga, thủ tướng tìm cách cân bằng khi ủng hộ sự đồng thuận của châu Âu trong vấn đề Ukraine nhưng không cắt đứt cầu nối với Moscow.

Thủ tướng Viktor Orban sau khi giành chiến thắng vào ngày 3/4 tại Budapest, Hungary. Ảnh: New York Times.

Ông Bíró-Nagy nhận định người dân Hungary đã phải đối mặt 2 sự cạnh tranh: Phe đối lập mô tả cuộc bầu cử là “sự lựa chọn giữa việc gắn kết Hungary với Nga hay gắn kết với NATO và phương Tây”, còn ông Orban “tuyệt vọng điều chỉnh sự kiện xoay quanh nhu cầu hòa bình và an ninh của người dân Hungary trong thời điểm hỗn loạn này”.

Thủ tướng loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc cho phép vũ khí liên quan tới Ukraine đi qua Hungary, trái ngược với nhiều đối tác châu Âu. Ông cũng bác bỏ các lời kêu gọi cấm vận nguồn cung năng lượng của Nga, với lý do có thể ảnh hưởng đến các hộ gia đình.

Những quan điểm này đã khiến Hungary bị cô lập khỏi các đồng minh truyền thống là Ba Lan và Cộng hòa Czech. Bộ trưởng Quốc phòng những nước này vào tuần trước đã từ chối tham dự cuộc họp với người đồng cấp Hungary vì lập trường của Budapest về Ukraine.

Ông Orban bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án trực tiếp. Ông Zelensky thách thức ông Orban “quyết định xem ông là ai”.

Khi được hỏi về đánh giá của ông Zelensky, ông Orban nói cộc lốc: “Ông Zelensky không bỏ phiếu trong hôm nay. Cảm ơn bạn. Có câu hỏi nào khác không?”. Trước đó, chính phủ Hungary đã cáo buộc chính phủ Ukraine đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Chiến lược của ông Orban đã thành công. Hôm 3/4, đảng Fidesz của ông Orban đã giành chiến thắng với cách biệt lớn. Theo kết quả kiểm đếm hơn 70% tổng số phiếu bầu, đảng Fidesz của Thủ tướng Orban hiện kiểm soát 135 ghế trong tổng số 199 ghế tại Quốc hội Hungary, trong khi liên minh đối lập chỉ giành được 57.

“Chúng ta đã giành được một chiến thắng lớn đến nỗi có thể nhìn thấy nó từ mặt trăng, và chắc chắn là từ Brussels”, ông Orban nói với đám đông, với ý chế giễu EU.

Chuyển hướng quan tâm chính sách đối ngoại

Tương tự, Ukraine đang thống trị câu chuyện bầu cử ở Pháp, theo Atlantic.

Politico đưa tin các chiến dịch tranh cử vốn đã trì hoãn vì đại dịch Covid-19 gần như phải tạm dừng vào khoảng thời gian đầu Nga đưa quân vào Ukraine. Các chương trình chính trị tranh cử nay bị chiến sự ở Ukraine chiếm sóng truyền hình. Một số ứng cử viên hủy thuyết trình vận động tranh cử trong nước và tập trung sang các vấn đề địa chính trị của khu vực.

Giờ đây, “cảm giác như không có chiến dịch tranh cử tổng thống nào đang diễn ra ở Pháp ngay bây giờ”, theo Georgina Wright, Giám đốc chương trình châu Âu tại Viện Montaigne của Paris, nói.

Cũng như ở Hungary, "Ukraine đã hoàn toàn làm lu mờ cuộc bầu cử", chuyên gia nhận định. Cuộc khủng hoảng Ukraine đang buộc ông Macron và các đối thủ phải suy nghĩ lại về các chiến dịch tranh cử của họ.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, một cuộc bầu cử tổng thống bị chính sách đối ngoại "lấn lướt". Chính sách đối ngoại vốn không phải là ưu tiên của cử tri Pháp.

Cuộc chiến đã xoay chuyển xu hướng này. Một phần là do Pháp đóng vai trò hàng đầu trong cuộc tranh luận ngoại giao giữa phương Tây với Nga.

Ông Macron không chỉ đến Moscow trong những tuần trước khi chiến sự nổ ra với nỗ lực ngăn chặn đổ máu, mà kể từ đó, ông cũng có hàng chục cuộc gọi từ cả ông Putin và ông Zelensky để theo đuổi biện pháp ngoại giao.

Do Nga đóng vai trò là nhà cung cấp khí đốt lớn của lục địa, cuộc chiến này có tác động rất lớn đến các nền kinh tế châu Âu.

“Người Pháp đang xem xét ai có thể dẫn dắt họ vượt qua cuộc khủng hoảng này”, Wright nói. “Có cảm giác ông Macron là người duy nhất có thể làm được điều đó”.

Áp phích tranh cử của 3 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022. Ảnh: Reuters.

Ông Macron có lẽ là ứng viên khả thi duy nhất không bị coi là “quá thân thiện với Điện Kremlin”. Về phần lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, bất chấp việc bà lên án cuộc chiến ở Ukraine, bức ảnh bà Le Pen chụp với ông Putin vẫn xuất hiện trong tài liệu vận động tranh cử.

Trong khi đó, ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, người từ lâu ủng hộ Pháp rút khỏi NATO, đã từ chối bình luận nhằm hạ thấp mối đe dọa từ Moscow.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ chiến thắng của ông Macron so với bà Le Pen thấp hơn so với năm 2017. Điều này cho thấy sức hút của tổng thống Pháp đã suy giảm như thế nào sau 5 năm cầm quyền.

“Cuộc chiến này chắc chắn đã làm thay đổi tâm trạng của các cử tri”, Bojan Klacar - Giám đốc điều hành Trung tâm Bầu cử Tự do và Dân chủ. "Với cuộc khủng hoảng này, các cử tri muốn được đảm bảo cuộc sống của họ sẽ không thay đổi, rằng cuộc sống của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Kết quả của hai cuộc bầu cử này cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến ở Ukraine. Chiến thắng của ứng viên nào cũng sẽ định hình cách châu Âu phản ứng với cuộc khủng hoảng, cho dù họ giữ nguyên hay thay đổi chính sách của mình.

Việc ông Orban vẫn nắm quyền lực báo hiệu thách thức đưa ra quan điểm đồng thuận của châu Âu trong ứng phó với Nga, đặc biệt khi nói đến việc giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Moscow. Trong khi đó, nếu ông Macron tái đắc cử, đây sẽ là đại diện cho chiến thắng của những người ủng hộ một châu Âu mạnh mẽ hơn.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ukraine-phu-bong-len-cac-cuoc-bau-cu-o-chau-au-post1307469.html