Ukraine chật vật theo đuổi chương trình 'khổng lồ' nhằm chế tạo tên lửa đạn đạo

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov trước đó đã tuyên bố sẽ công bố một 'chương trình tên lửa khổng lồ' vào cuối năm nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot. Ảnh: Getty.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot. Ảnh: Getty.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn lời các quan chức Ukraine cho hay, Kiev không có đủ tiền và năng lực để tự chế tạo tên lửa đạn đạo. Các chuyên gia cho rằng đất nước này có thể sẽ vẫn phụ thuộc vào phương Tây đối với một số loại vũ khí nhất định trong nhiều năm tới.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tuyên bố rằng đất nước này sẽ công bố một "chương trình tên lửa khổng lồ" vào năm tới, nhằm mục đích phát triển tên lửa đạn đạo của riêng Kiev.

Các quan chức Ukraine cũng nói với Wall Street Journal rằng công việc phát triển đã được tiến hành và mặc dù hầu hết các chi tiết đều được giữ bí mật, chương trình này có thể sớm đi cho ra kết quả ban đầu, với một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo đã được tiến hành trong tháng 8.

Thứ trưởng phụ trách các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước, Anna Gvozdiar, cũng tuyên bố rằng Kiev hiện đang nỗ lực phát triển "nhiều hơn một tên lửa đạn đạo", theo tờ báo Mỹ.

Tuy nhiên, Kiev hiện đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho chương trình phát triển và sản xuất vũ khí ở quy mô lớn, các quan chức Ukraine nói với Wall Street Journal, lưu ý rằng đất nước này sẽ phải dựa vào nguồn cung vũ khí của phương Tây trong tương lai gần.

Aleksandr Kamyshin, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các vấn đề chiến lược, giải thích với Wall Street Journal rằng Ukraine "đơn giản là không có đủ tiền" cho sáng kiến này, đặc biệt là khi những bên ủng hộ phương Tây của Kiev đưa ra rất ít hoặc không hỗ trợ cho chương trình tên lửa, thay vào đó, Washington thúc giục nước này tập trung vào việc phát triển máy bay không người lái tầm xa như một cách tiếp cận hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Đại biểu quốc hội Ukraine Egor Chernev, người giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Quốc hội về an ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo, trước đây cũng tuyên bố rằng Kiev đang gặp khó khăn trong việc chế tạo được tất cả các thành phần tên lửa cần thiết.

Ngoài ra, Wall Street Journal lưu ý rằng chương trình tên lửa của Kiev cũng đang bị cản trở bởi lực lượng lao động cạn kiệt của Ukraine, cũng như các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng sản xuất của nước này.

Tuy nhiên, ông Chernev khẳng định rằng chương trình đạn đạo đã gần đi vào hoạt động và nói với truyền thông Ukraine rằng "sẽ sớm có những kết quả cụ thể mà không chỉ Ukraine mà cả Liên bang Nga sẽ thấy".

Báo cáo của Wall Street Journal được đưa ra sau khi Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh để thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực Kursk và Bryansk của Nga. Để đáp trả, Moscow đã bắn tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik mới của mình vào một cơ sở công nghiệp quân sự tại thành phố Dnepropetrovsk của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ đó đã tuyên bố rằng Oreshnik sẽ sớm được sản xuất hàng loạt và đưa vào kho vũ khí của Nga. Ông cũng cảnh báo rằng các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine bằng vũ khí phương Tây sẽ dẫn đến nhiều cuộc tấn công trả đũa hơn.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ukraine-chat-vat-theo-duoi-chuong-trinh-khong-lo-nham-che-tao-ten-lua-dan-dao-post180424.html