Tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội: Chậm triển khai vì thiếu nguồn lực

Nhằm cụ thể hóa quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị, qua đó phát huy lợi thế mỗi tỉnh, thành phố trong vùng, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 9 năm, dự án vẫn nằm... trên giấy. Trước yêu cầu cấp bách đặt ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án.

Tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô chậm triển khai khiến đường Vành đai 3 quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Hoàng Anh

Nguồn lực vượt quá sức của địa phương

Theo Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố. Trong đó, 56,5km đi qua địa phận Hà Nội; 20,3km đi qua tỉnh Hưng Yên và 21,2km đi qua tỉnh Bắc Ninh. Tuyến đường có quy mô 6 làn xe, tiến độ hoàn thành toàn tuyến là trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội hoàn thành trước năm 2018. Nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Tuyến đường này được tách thành dự án độc lập theo từng địa phương. UBND tỉnh, thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư.

Tuy nhiên, đã hơn 9 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai. Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Đến nay, mới chỉ có thành phố Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng chưa phê duyệt. Các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Do việc chậm đưa vào khai thác khiến toàn bộ phương tiện đều phải đi qua đường Vành đai 3 của Hà Nội dẫn đến tuyến đường này bị quá tải, thường xuyên ùn tắc. Các mục tiêu khác của quy hoạch vùng như giãn mật độ dân cư đô thị, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội… cũng chưa đạt được.

Về nguyên nhân, Bộ Giao thông - Vận tải chỉ rõ, khả năng huy động nguồn lực của các địa phương có dự án đi qua khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư lại lớn, thủ tục đầu tư theo hình thức BT - đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi với các địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.

Đề cập về khó khăn trong quá trình triển khai tuyến Vành đai 4 đoạn thuộc địa phận thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, quy mô quy hoạch tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn; tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện, trong khi việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Cần ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù

Nhu cầu đầu tư để sớm thông tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là rất cấp thiết. Từ các khó khăn trong quá trình triển khai, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là cần có sự hỗ trợ từ Trung ương. Cụ thể, Hà Nội tiếp tục chịu trách nhiệm huy động nguồn lực để đầu tư tuyến đường Vành đai 4 thuộc địa bàn. Các đoạn tuyến sẽ được đưa vào danh mục công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên triển khai giai đoạn 2021-2025. “Sở Giao thông - Vận tải cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư”, ông Vũ Văn Viện thông tin.

Đại diện UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương lập dự án, huy động vốn đầu tư, rà soát lại quy hoạch. Nếu có điểm chưa phù hợp thì điều chỉnh, mở rộng. Đồng thời tổ chức cắm mốc quy hoạch chi tiết trên thực địa nhằm quản lý quỹ đất.

Để bảo đảm tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Hiện, Bộ Giao thông - Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 2 lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng, đơn vị đang tiến hành rà soát, cập nhật số liệu toàn bộ quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 được duyệt, trong đó phát sinh việc điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đi qua các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Riêng thành phố Hà Nội, quy hoạch tuyến đường này không thay đổi. Dự kiến, đến tháng 3-2021, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ hoàn thành để Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/987486/tuyen-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-cham-trien-khai-vi-thieu-nguon-luc