Tuyển sinh đại học năm 2024: Lưu ý đề án tuyển sinh của các trường
Năm 2024, Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng ngành giáo dục mầm non được giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh của các trường lại có sự điều chỉnh. Do vậy thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường mà mình muốn đăng ký.
Trong đó, chú ý đến những điểm mới trong đề án tuyển sinh bởi có trường giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng thêm, bớt điều kiện; có trường điều chỉnh và thêm phương thức xét tuyển, hoặc có trường thay đổi cách thức xét trong một phương thức.
Nhiều phương thức xét tuyển sớm
Theo Luật Giáo dục Đại học và quy chế tuyển sinh, các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh (xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển). Hiện nay các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển (khoảng 20 phương thức) gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng điểm học bạ, xét tuyển bằng điểm của các kỳ thi riêng do các trường tổ chức, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng theo quy định của các trường... Trong đó, ngoài xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì những phương thức còn lại được xem là xét tuyển sớm.
Với những phương thức xét tuyển sớm, các trường thực hiện nhiều đợt và công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo từng đợt. Lưu ý với thí sinh về xét tuyển sớm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết, các trường ĐH khi công bố phương thức xét tuyển sẽ kèm thời hạn nộp hồ sơ cụ thể nên thí sinh cần chú ý để không bỏ lỡ. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý: khi tham gia xét tuyển sớm, dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển nhưng vẫn chưa thực sự trúng tuyển.
Thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký lại nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Nếu không thực hiện đăng ký lại trên hệ thống thì kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần đặt nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển.
“Việc yêu cầu thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Khi đó, thí sinh không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này, đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, với các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào các trường cần phải xem xét kỹ các tiêu chí theo quy định của từng trường. Chẳng hạn, dù thí sinh có điểm cao hơn điểm chuẩn nhưng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển không đạt theo quy định hay điểm ngoại ngữ không đạt thì vẫn không trúng tuyển.
Cách quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Áp dụng chính sách ưu tiên xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năm 2024, nhiều trường tiếp tục dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển kết hợp. Điểm chứng chỉ của thí sinh sẽ được quy đổi, cộng với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT hoặc học bạ để xét tuyển theo phương thức kết hợp. Với IELTS 4.5, thí sinh có thể được quy đổi thành 7-10 điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển ĐH, tùy trường.
Tại Trường ĐH Công thương TPHCM cho phép thí sinh quy đổi điểm từ chứng chỉ tiếng Anh sang điểm môn tiếng Anh để xét tuyển các phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp, xét học bạ và ưu tiên xét tuyển theo đề án riêng. Theo đó, riêng ngành ngôn ngữ Anh, thí sinh được quy đổi 10 điểm nếu đạt IELTS từ 5.5 trở lên. Các ngành còn lại, trường quy đổi 10 điểm cho chứng chỉ này với mức 4.5 điểm trở lên. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM quy đổi IELTS 4.5 thành 7,5 điểm môn tiếng Anh, áp dụng với phương thức ưu tiên xét tuyển, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có cách quy đổi không giống nhau. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, thí sinh có IELTS 4.5 sẽ được tính 8 điểm môn tiếng Anh, 10 điểm nếu có IELTS 6.0 trở lên. Trường ĐH Bách khoa chấp nhận quy đổi chứng chỉ IELTS từ mức 5.0 trở lên. Theo đó, điểm môn tiếng Anh trong học bạ hoặc thi tốt nghiệp THPT của thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 tương đương 8 điểm; 5.5 tương đương 9 điểm và 6.0 trở lên đạt mức tối đa 10 điểm. Mức quy đổi tương đương áp dụng với chứng chỉ TOEFL iBT và TOEIC 4 kỹ năng. Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, thí sinh có IELTS 5.0 được tính là 7 điểm tiếng Anh.
Ở chiều ngược lại, nhiều trường ĐH khác lại không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm cho môn tiếng Anh mà chỉ xem chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo hình thức cộng điểm ưu tiên. Chẳng hạn, ĐH Kinh tế TPHCM chấp nhận ưu tiên thí sinh có IELTS từ 6.0 trở lên. Cùng mức điểm 6.0, tùy theo phương thức xét, thí sinh được cộng 12 hay 21 điểm trong tổng điểm xét tuyển của phương thức đó. Trường ĐH Luật TPHCM xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên. Bên cạnh chứng chỉ, thí sinh cần đạt điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT theo tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên mới được xét tuyển. Hàng loạt trường ĐH khác cũng đưa ra hình thức ưu tiên xét tuyển, cộng điểm ưu tiên với chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên.
Theo dự thảo vừa công bố, với chứng chỉ IELTS, thí sinh cần đạt từ 4.0 điểm trở lên để được tính 10 điểm trong bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Với xét tuyển ĐH, quy chế tuyển sinh cho phép các trường ĐH chủ động trong việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ và trong cách tính điểm xét tuyển môn này. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có 46.670 thí sinh đăng ký miễn thi bài thi ngoại ngữ (chiếm 4,55% tổng số thí sinh dự thi). Trong đó, Hà Nội có 16.133 thí sinh, TPHCM có 10.020 thí sinh.