Tuyên Quang: Mức độ thiên tai ở cấp rất nguy hiểm

Tỉnh Tuyên Quang cho biết trong 24 giờ qua, trên địa bàn đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, báo động mức độ thiên tai ở cấp rất nguy hiểm, đồng thời cảnh bảo nguy cơ sạt lở cao trong 6 giờ tới.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, báo động mức độ thiên tai ở cấp rất nguy hiểm.

Cụ thể, từ 11 giờ ngày 18/5 đến 11 giờ ngày 19/5, tỉnh Tuyên Quang đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Bình Phú 114mm, Hà Lang 109mm (huyện Chiêm Hóa); Hoàng Khai 163mm, Tiến Bộ 139mm (huyện Yên Sơn); Hồng Thái 126mm (huyện Na Hang); Thượng Ấm 146mm, Tân Trào 111mm (huyện Sơn Dương). Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực trong tỉnh đang ở trạng thái gần bão hòa (trên 85%) hoặc đã đạt đến trạng thái bão hòa.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, trong 6 giờ tới, các khu vực thuộc các huyện Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang có nguy cơ xảy ra sạt lở đất nơi có địa hình dốc, khu vực có kết cấu đất đá yếu, kém ổn định, các công trình xây dựng và ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối, ngập úng đô thị. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là cấp 2 (cấp trung bình).

Để chủ động phòng, chống và triển khai các giải pháp khắc phục, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu.

Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản cho người dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai trên các phương tiện truyền thông, bản tin dự báo.

Đặc biệt, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "Bốn tại chỗ"; tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.

Ngoài ra, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Bố trí lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống xảy ra. Duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động rà soát các phương án, kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…

Ông Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các huyện, thành phố tổng hợp gửi thông tin chi tiết về các hoạt động dân sinh, kinh tế-xã hội, các công trình nhạy cảm có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn tỉnh về Cục Khí tượng Thủy văn để kịp thời dự báo, cảnh báo hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống thiên tai.

Chủ động truy cập vào các hệ thống cảnh báo của Cục Khí tượng Thủy văn để cập nhật thông tin; theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong khu vực…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tuyen-quang-muc-do-thien-tai-o-cap-rat-nguy-hiem-post1039425.vnp