Tượng thú kỳ quái hình 'long quy' ở biển Cà Mau bị tạm giữ

Một ngư dân ngụ tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau nhặt được tượng thú lạ khi đi lặn biển mò ốc móng tay cho biết, lực lượng chức năng đang tạm giữ tượng này.

Ngày 2/12, trong lúc đi lặn biển mò ốc móng tay ngư dân Nguyễn Hồng Trợ (ngụ tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã nhặt được tượng thú lạ ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi cách đất liền khoảng 500m.

Tượng thú lạ có hình long quy (thân rùa, đầu rồng) màu vàng ánh như đồng, nặng 9,6kg. Ông Nguyễn Hồng Trợ cho biết, ông giẫm đạp lên tượng thú lạ, làm gãy phần đầu. Bên trong bụng tượng có chứa nhiều mẫu vật lạ, nhiều màu sắc như: gỗ, kim, chỉ, các mẫu xương (chưa xác định).

Ông Nguyễn Hồng Trợ cho biết thêm: "Cán bộ biên phòng lập biên bản, tạm giữ tượng thú và cả những vật lạ bên trong bụng tượng. Theo cán bộ lập biên bản, tạm giữ để làm rõ, nếu không phải vật buộc phải tịch thu thì sẽ trả lại cho tôi".

Trước đó, 1 bức tượng 'kỳ lân' 2 đầu kỳ lạ cũng được phát hiện ở cửa biển mũi Cà Mau. Cụ thể, chiều 14/7, hai thanh niên ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, trong lúc đi bắt ốc móng tay đã vớt được tượng kim loại nói trên. Do sau đó có xích mích nên một bên đã báo sự việc với chính quyền.

Lý Tây Đô, một trong hai thanh niên nhặt được tượng kể lại: "Tụi em đang mò ốc thì đụng phải nó. Thấy hình thù kỳ quái, 2 đầu, có sừng, nhìn rất sợ. Ban đầu tụi em định bỏ nhưng nghĩ đem về bán tò te cũng có tiền nên lấy. Nó nằm cách bờ biển khoảng 500 m, ngay cửa biển Vàm Xoáy".

Cha ruột Đô, là người trực tiếp rửa ráy, lưu giữ tượng trong nhà, cho hay: "Tượng này đang bị Đồn biên phòng ở Phú Tân giữ do trước đó cha của Tâm (thanh niên đi cùng Đô) mang tượng qua Phú Tân tìm mối bán. Do nhiều ngày ông ấy không bán được mà cũng không chia tiền, lại tự ý mổ bụng tượng để lấy cái gì đó mà tôi nghe nói là rất nhiều tiền cổ nên tôi ức, tôi đi báo chính quyền".

Phát hiện pho tượng lạ, vàng óng, dáng ngồi giống tượng phật: Sáng ngày 7/11/2016, gia đình ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú (ngụ ở thôn 2, xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa), trong lúc dọn đầm để nuôi tôm có đào đất ngăn đầm thì vô tình múc phải 1 vật bằng gỗ. Khi mọi người đào đưa lên bờ thì phát hiện đó là 1 pho tượng.

Qua quan sát, pho tượng này cao khoảng 1 m, bề ngang thân đế khoảng 60 cm, nặng chừng 50 kg. Pho tượng được phủ bên ngoài 1 lớp đồng vàng óng, bên trong là gỗ (nghi là gỗ chò chỉ). Điều đặc biệt, pho tượng này hình dáng người ngồi đeo cà vạt, áo sơ mi, cổ giống người mặc áo vest.

Nhận được tin báo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã nhận được thông tin và đang giao cho các phòng, ban chuyên môn phối hợp xác minh điều tra nguồn gốc pho tượng trên.

Phát hiện 4 tượng đồng trong cổ tự 700 năm: Ngày 11/12/2014, đơn vị thi công công trình phục dựng và tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) khai quật phần bệ thờ ngoài trời (chính điện) của ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 700 năm thì phát hiện nhiều pho tượng cổ nằm bên dưới nền đất.

Khi đưa lên mặt đất, 3 bức tượng trong tư thế ngồi thiền, cao khoảng từ 0,5 đến 0,7 m, nặng khoảng 40 kg; 1 tượng đồng nhỏ cao khoảng 30 cm, nặng 2 - 3 kg và một số mẫu vật khác. Chùa Hoằng Phúc có tên là chùa Kính Thiên (hay còn gọi là chùa Quan), tọa lạc tại thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy). Ngôi chùa này từng được vua Trần Nhân Tông ghé thăm trên đường viễn du Chiêm Thành.

Trong thời kỳ chiến tranh, chùa Hoằng Phúc không những là nơi thờ tự đức Phật mà còn là chỗ cất giấu vũ khí, huấn luyện quân lương, tập kết hàng hóa của bộ đội ta. Vào năm 2010, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Phật tử và nhân dân, chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Các bức tượng cổ và nhiều hiện vật quý hiếm nói trên đang được cơ quan chức năng bàn giao cho UBND xã Mỹ Thủy tạm giữ.

Phát hiện 4 pho tượng quý hiếm ở ngôi đền cổ ở Hà Tĩnh: Chiều 5/12/2014, ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình khảo sát nghiệp vụ, Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du đã phát hiện 4 pho tượng cổ bằng đá có niên đại thế kỷ 17 ở ngôi đền cổ Thần cô - Thần cậu (xã Xuân Hội, Nghi Xuân).

4 pho tượng được chia thành 2 cặp. Một cặp tượng ông phỗng tạc trong tư thế quỳ, hai tay nâng lên phía trước. Hai tượng còn lại là tượng quan tả - hữu, được tạc với thế đứng oai vệ, tay phải cầm gươm. Các tượng đều được chế tác từ đá xanh đen, cao 80-100 cm, chu vi thân tượng 40 cm, mỗi pho nặng khoảng 10 kg.

Ông Hạnh cho biết thêm: “Do cụ từ trông coi đền không biết các pho tượng trên là vật cổ quý hiếm ở Hà Tĩnh, có giá trị lịch sử nên đã lấy sơn đỏ tô lòe loẹt lên thân. Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đã lên phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc mỹ thuật của những tượng cổ này”.

Xem thêm video: Thuê phương tiện chở tượng "quái thú 2 đầu" ra biển bỏ. Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Trung Vương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tuong-thu-ky-quai-hinh-long-quy-o-bien-ca-mau-bi-tam-giu-1313236.html