Tuần 'điên rồ' của ông Trump

Xu hướng phân biệt chủng tộc, xem nhẹ phụ nữ và ngôn từ bạo lực đã góp phần tạo nên một tuần tranh cử đầy hỗn loạn của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuần cuối trước ngày bầu cử của chiến dịch ông Donald Trump được lấp đầy bởi những phát ngôn gây tranh cãi và hình ảnh cựu tổng thống ngồi trên xe rác, góp phần tạo nên bầu không khí hỗn loạn và kỳ quái cho cuộc bầu cử, Guardian nhận định.

Trong bối cảnh ông Trump liên tục sử dụng ngôn từ bạo lực và cực đoan nhắm vào đối thủ chính trị trong các phát biểu của mình, việc bà Kamala Harris nói rằng cựu tổng thống đang "không ổn định và mất cân bằng" không hẳn là vô lý.

 Ông Trump liên tục gây sốc trong tuần cuối trước ngày bầu cử. Ảnh: New York Times.

Ông Trump liên tục gây sốc trong tuần cuối trước ngày bầu cử. Ảnh: New York Times.

Ông Trump trước đó đưa ra phát ngôn chưa từng có tiền lệ rằng "những kẻ thù từ bên trong" của nước Mỹ cần bị xử lý bởi quân đội. Ông thậm chí chỉ đích danh các tên tuổi nổi bật của đảng Dân chủ gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nghị sĩ Adam Schiff.

Tuy nhiên, phát ngôn gây tranh cãi này nhanh chóng bị lu mờ bởi một loạt bình luận và hành động được cho là cực đoan của cựu tổng thống.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 chứng kiến một cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, khi một ứng viên sử dụng sự thù ghét và những lời đe dọa làm nền tảng cho chiến dịch tranh cử và đội ngũ của ông ấy phải đi dọn dẹp "bãi chiến trường" mà cựu tổng thống bày ra.

Tuần tranh cử đầy hỗn loạn của ông Trump bắt đầu vào ngày 27/10 (giờ Mỹ) khi cựu tổng thống tổ chức cuộc mít tinh dài 6 giờ đồng hồ ở quảng trường Madison (New York).

Ngay trước cả khi ứng viên đảng Cộng hòa xuất hiện trên sân khấu, cú sốc đã nổ ra khi diễn viên hài Tony Hinchcliffe đưa ra phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc.

"Ngay bây giờ, tồn tại một hòn đảo lềnh bềnh chứa đầy rác giữa đại dương. Tôi nghĩ nó được gọi là Puerto Rico", diễn viên hài 40 tuổi nói trên sân khẩu. Đáp lại ông là sự im lặng từ 20.000 khán giả.

 Tony Hinchcliffe có phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc tại buổi mít tinh của đảng Cộng hòa ở quảng trường Madison. Ảnh: New York Times.

Tony Hinchcliffe có phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc tại buổi mít tinh của đảng Cộng hòa ở quảng trường Madison. Ảnh: New York Times.

Chưa dừng lại ở đó, cây hài Hinchcliffe tiếp tục có phát ngôn mang tính miệt thị chủng tộc khi cho rằng người da đen lúc nào cũng thèm ăn dưa hấu.

Những phát biểu gây tranh cãi nói trên lập tức gây phản ứng dữ dội. Không chỉ đảng Dân chủ mà phe Cộng hòa đồng loạt lên án sự cực đoan trong "câu đùa" của ông Hinchcliffe.

Tuy không lên tiếng xin lỗi về phát biểu nhạy cảm xảy ra tại chính mít tinh của mình, ông Trump sau đó khẳng định rằng "không ai yêu cộng đồng Latin và người Puerto Rico hơn tôi" tại một sự kiện ở Allentown (Pennsylvania) vào ngày 29/10 (giờ địa phương).

Tuy nhiên, nhiều người trong số 472.000 cử tri gốc Puerto Rico ở Pennsylvania lại nghĩ khác.

"Đây không phải lần đầu cộng đồng người Puerto Rico chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm", Yemele Ayala, cử tri ở Philadelphia, nói với Guardian. "Chúng tôi sẽ không xem nhẹ chuyện lần này đâu".

Những lùm xùm về phát ngôn liên quan đến rác vẫn chưa dừng lại ở đó. Tổng thống Joe Biden đăng tải một video chỉ trích phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc ở mít tinh của phe Cộng hòa song lại dính sự cố "vạ miệng" khi dường như gọi những cử tri ủng hộ ông Trump là "rác rưởi".

Dù đã lên tiếng đính chính song phát biểu của tổng thống đương nhiệm vẫn vô tình đẩy cao bầu không khí chia rẽ trong tuần cuối của cuộc bầu cử.

Sự cố này cũng góp phần tạo nên hình ảnh mang tính "biểu tượng" của tuần tranh cử đầy hỗn loạn khi ông Trump mặc áo phản quang ngồi trên xe dọn vệ sinh và nói với báo giới: "Các bạn thấy xe chở rác của tôi thế nào? Chiếc xe này là để vinh danh Kamala và Joe Biden".

 Hình ảnh ông Trump ngồi trên xe rác nhanh chóng gây bão truyền thông. Ảnh: Guardian.

Hình ảnh ông Trump ngồi trên xe rác nhanh chóng gây bão truyền thông. Ảnh: Guardian.

Khi giới quan sát cho rằng mọi thứ không thể hỗn loạn thêm được nữa, ông Trump vẫn không dừng lại.

Ngày 30/10 (giờ miền Tây), tại một sự kiện ở Green Bay, Wisconsin, ông Trump đã nỗ lực thể hiện bản thân là một người hoạt động vì quyền sinh sản của phụ nữ, bất chấp việc cựu tổng thống trước đó đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan đến tấn công tình dục phụ nữ.

"Tôi sẽ bảo vệ phụ nữ dù họ muốn hay không", ông Trump nói với những người ủng hộ. Phó tổng thống Harris lập tức chỉ trích phát ngôn này của ông Trump. Bà Harris cho rằng cựu tổng thống không hiểu về phụ nữ, "về quyền và khả năng tự đưa ra quyết định cho cuộc sống và cơ thể của chính họ".

"Tôi nghĩ phát ngôn của ông Trump xúc phạm đến mọi người", bà Harris nói.

Phó tổng thống sau đó trở thành mục tiêu chỉ trích của ông Trump trong buổi mít tinh tại Glendale, Arizona vào tối 31/10 (giờ địa phương). Cựu tổng thống lặp đi lặp lại rằng bà Harris là một người "IQ thấp" và "ngờ nghệch như một hòn đá".

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải điểm nhấn lớn nhất của buổi mít tinh này. Đứng trên sân khấu cùng Tucker Carlson, người từng dẫn chương trình cho Fox News, ông Trump công kích bà Liz Cheney, người đã công khai khước từ quy phục cựu tổng thống, về cách tiếp cận đối với vấn đề đối ngoại và ngụ ý rằng cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa cần bị đưa đến vùng chiến sự.

"Bà ấy là một người hiếu chiến cấp tiến", ông Trump nói trước hàng nghìn khán giả ở sân vận động Desert Diamond. "Hãy để bà ấy đến tiền tuyến và đứng trước 9 họng súng trường. Hãy để bà ấy trải nghiệm cảm giác bị súng chĩa vào mặt".

Bà Cheney là một trong những nhân vật nổi bật của đảng Cộng hòa công khai khước từ quy phục ông Trump. Bà Cheney đã mất chức vụ và ghế nghị sĩ sau khi bỏ phiếu luận tội ông Trump vì vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021. Bà Cheney cũng đã nhiều lần tham gia vận động tranh cử cùng phó Tổng thống Harris của đảng Dân chủ.

 Ông Trump phát ngôn gây sốc về bà Cheney trong sự kiện tại Arizona. Ảnh: New York Times.

Ông Trump phát ngôn gây sốc về bà Cheney trong sự kiện tại Arizona. Ảnh: New York Times.

Kris Mayes, Tổng chưởng lý Arizona, hôm 1/11 nói rằng bà đang điều tra xem liệu phát ngôn trên của ông Trump có được quy vào là một lời đe dọa đến tính mạng người khác hay không.

Đáp lại ông Trump, cựu nghị sĩ Cheney cảnh báo công chúng về mối nguy tiềm tàng nếu ông quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng.

Sau đó cùng ngày, một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của ông Trump lặp lại những lời chỉ trích nhắm vào bà Cheney song lược bỏ đi những từ ngữ và hình ảnh mang tính bạo lực.

Vào chiều 1/11 (giờ Mỹ), tại quảng Wisconsin, bà Harris chỉ trích hành vi và ngôn từ có xu hướng cực đoan của cựu tổng thống.

"Bất kỳ ai sử dụng lối lập luận đầy tính bạo lực kiểu ấy đều không xứng đáng làm tổng thống", bà Harris nói. "Donald Trump luôn coi đối thủ chính trị của mình là kẻ thù và luôn tìm cách trả đũa. Ông ấy ngày càng không ổn định và mất cân bằng".

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuan-dien-ro-cua-ong-trump-post1508276.html