Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam

Từ ngày 22-26/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn 'Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam'.

Tham gia các hoạt động có khoảng hơn 200 đồng bào của 15 dân tộc. Các hoạt động chính bao gồm: Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023 (ngày 23/11); Ngày hội trình diễn cây nêu (từ 22-26/11); Trình diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023; Triển lãm ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) tại họp báo công bố Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc dự kiến từ ngày 22-26/11 gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Triển lãm Đặc trưng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn có không gian giới thiệu văn hóa, lễ hội, du lịch của tỉnh Bắc Kạn (từ 22-26/11) tại Không gian làng dân tộc Nùng, khu các làng dân tộc I.

Tại đây, các nghệ nhân và đồng bào sẽ tái hiện Lễ cấp sắc pụt (lẩu pụt), trình diễn giới thiệu hát Sli của người Nùng tỉnh Bắc Kạn, cùng các hoạt động diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian, và giới thiệu du lịch và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn.

Nhiều hoạt động gắn kết văn hóa, di sản dân tộc tại 'Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam'.

Bên cạnh đó, còn có không gian văn hóa, lễ hội của tỉnh Thanh Hóa tại Không gian làng dân tộc Mường, khu các làng dân tộc I. Tại đây sẽ có các hoạt động như tái hiện lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa) của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa, giới thiệu nét đẹp trang phục Mường và một số nét văn hóa diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian.

Bên cạnh đó, Làng còn tổ chức một số hoạt động khác như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ (tại khu các làng dân tộc III, làng dân tộc Khmer); Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (khu các làng dân tộc II, các làng dân tộc Ê Đê, Raglai, CơTu, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai) điểm nhấn tại làng Ê Đê; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (khu các làng dân tộc I trong đó làng Mường là điểm nhấn)...

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuan-dai-doan-ket-cac-dan-toc-di-san-van-hoa-viet-nam-2215996.html