Tư tưởng Hồ Chí Minh về 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'

PTĐT- Cách đây 70 năm (ngày 15-10-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo 'Dân vận' đăng trên báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng. Bài báo thể hiện sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Người về bản chất dân chủ của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; đồng thời thể hiện sâu sắc phương châm, phương thức tiến hành công tác dân vận - công tác cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đẩy mạnh công tác dân vận khéo kết hợp với tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ ở khu Liên Thành 2, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn.

PTĐT- Cách đây 70 năm (ngày 15-10-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng. Bài báo thể hiện sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Người về bản chất dân chủ của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; đồng thời thể hiện sâu sắc phương châm, phương thức tiến hành công tác dân vận - công tác cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Người luôn ý thức rằng: dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Người xác định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhưng nhân dân cần có Đảng dẫn đường. Đảng có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Vì thế, trong bài “Dân vận”, Người đã nêu lên một luận điểm như một chân lý đối với cách mạng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Nhiệm vụ của công tác dân vận rất quan trọng, vì thế Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng; phải gần gũi với quần chúng, kiên trì giải thích cho quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong nội dung bài báo, Người nhấn mạnh, đối với các chủ thể làm công tác dân vận, làm sao thực hiện được “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Muốn thực hiện được như vậy, đòi hỏi “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Tác phong và tư cách của người cán bộ dân vận có ý nghĩa rất quan trọng. Về phong cách làm việc của cán bộ dân vận, Hồ Chí Minh có nhiều cách nói khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau nhưng tập trung nhất được thể hiện rõ nhất trong bài “Dân vận”. Người đúc kết thành 12 từ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Cũng vì thế, Người thường nhắc nhở: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”.

Triển khai tốt công tác dân vận, người dân xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

“Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất đối với cán bộ dân vận khéo. Hồ Chí Minh đòi hỏi, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, không được nói nhiều, làm ít, hoặc nói một đàng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm nguợc lại. Đối lập với “miệng nói, tay làm” là lối “nói suông, ngồi viết mệnh lệnh”, tức là nói mà không làm và nếu có làm thì cũng chỉ làm theo lối quan liêu “bàn giấy”. Người đặc biệt phê phán tác phong: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến”. Rằng “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”. Vì thế, người làm vân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thực sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hàng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Người nhắc nhở: nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có được tự do, hạnh phúc thực sự.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đánh giá công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Song vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm; quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường; không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Có nơi còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân…Từ đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người chuyên trách làm công tác dân vận càng phải nhận thức sâu sắc và tiếp thu lĩnh hội nghiêm túc những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận”.

70 năm đã đi qua, thời gian càng lùi xa, nhưng giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn của bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay. Vì vậy, làm công tác dân vận phải quan tâm nghiên cứu, tuyên truyền nội dung bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu thực hiện phương pháp dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ. Đây thực sự là một cẩm nang quý báu trong thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hợp tác quốc tế ở nước ta hiện nay

Đại tá, PGS.TS Lê Huy Bình - Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201910/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dan-van-kheo-thiviec-gi-cung-thanh-cong-167221