Từ tín dụng xanh đến tăng trưởng xanh

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hành trình xanh hóa và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Trong hành trình hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vai trò của các ngân hàng là không thể thiếu. Bằng việc cung cấp vốn, phát triển các sản phẩm tài chính xanh và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, ngân hàng không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng. Ảnh: TPBank

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng. Ảnh: TPBank

Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về vai trò của ngân hàng trong hành trình xanh hóa, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hành trình xanh hóa và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam bằng cách cung cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm tài chính xanh và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường. Đồng thời, ngân hàng tổ chức các chương trình đào tạo về tài chính xanh, công khai thông tin minh bạch, tham gia các sáng kiến quốc tế, huy động nguồn vốn nước ngoài; đóng góp vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách của nhà nước về phát triển bền vững.

Phóng viên: Tại TPBank, dựa vào những tiêu chí nào để phân loại, đánh giá tính bền vững của các dự án để cấp tín dụng xanh?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: TPBank đã dựa vào nhiều tiêu chí để đánh giá và phân loại tính bền vững của các dự án nhằm cấp tín dụng xanh. Thứ nhất, đối với tiêu chí đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, các dự án này phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế. Đó là những dự án đạt được các chứng nhận về môi trường như ISO 14001, LEED (Leadership in Energy and Environmental Design); hay các tiêu chuẩn quốc tế tương tự. Dự án cần chứng minh khả năng giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác. Nhằm đạt mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học, các dự án không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, thậm chí góp phần bảo vệ và phục hồi chúng.

Thứ hai, TPBank quan tâm đến những dự án mang lại hiệu quả sử dụng cao, giảm thiểu lãng phí, sử dụng năng lượng tái tạo; ưu tiên các dự án ứng dụng và sản xuất năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối; sử dụng và quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, tránh lãng phí và ô nhiễm nguồn nước.

Thứ ba là tiêu chí về tác động tích cực đến yếu tố xã hội. Các dự án cần cung cấp cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp xanh và bền vững, hoặc góp phần giảm thiểu bất bình đẳng giới và hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận cơ hội tài chính (ví dụ như doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ - WSME). Hay những dự án có tác động tích cực đến cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Cuối cùng là tiêu chí đảm bảo khả năng tài chính và hiệu quả kinh tế. Những dự án xanh đó phải có tính khả thi về tài chính, có kế hoạch tài chính rõ ràng và minh bạch. Đi kèm với đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn bền vững và có lợi trong dài hạn.

Những tiêu chí này giúp TPBank đánh giá tính bền vững của dự án một cách toàn diện, đảm bảo rằng các khoản tín dụng xanh được cấp sẽ thực sự đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Phóng viên:Trong quá trình cấp tín dụng xanh, đâu là những khó khăn, rủi ro ngân hàng đang hoặc có thể gặp phải và cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó, thưa ông?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng:

Việc đánh giá các dự án xanh đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ với các tiêu chí rõ ràng để xác định như thế nào là “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" hiện được các tổ chức tín dụng áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt.

Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu chi tiết và công cụ đánh giá kỹ thuật đặc thù để xác định dự án có thực sự xanh hay không ở các ngân hàng vẫn còn thiếu. Ngoài ra, các quy định và chính sách về môi trường và tài chính xanh có thể thay đổi, tạo ra rủi ro pháp lý cho các dự án đã được cấp tín dụng. Và việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh tương đối phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng. Ảnh: TPBank

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng. Ảnh: TPBank

Về rủi ro về tài chính và thị trường, các dự án năng lượng tái tạo và bền vững có thể gặp vấn đề về tài chính do chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian hoàn vốn dài. Thị trường năng lượng tái tạo có thể bị ảnh hưởng bởi các biến động giá cả và thay đổi chính sách, làm gia tăng rủi ro cho các dự án xanh. Mặt khác, việc thu hút vốn đầu tư vào dự án xanh có thể gặp khó khăn do thiếu sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư e ngại rủi ro và khả năng hoàn vốn của các dự án này, đặc biệt khi so sánh với các dự án truyền thống. Các dự án xanh thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao hơn trong khi thời gian hoàn vốn dài hơn so với các dự án thông thường, làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Trước những khó khăn trên, TPBank cũng đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục những vấn đề này. Trong khuôn khổ dự án ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) của TPBank đang triển khai, TPBank đã xây dựng Khung tín dụng xanh tuân thủ theo Nguyên tắc cho vay xanh (Green Loan Principles). Dựa trên chiến lược kinh doanh, TPBank lựa chọn các ngành phù hợp triển khai tín dụng xanh. Với mỗi ngành, TPBank xây dựng các tiêu chí kỹ thuật cụ thể để xác định điều kiện “xanh” của dự án.

TPBank cũng theo dõi chặt chẽ các thay đổi trong chính sách để đảm bảo điều chỉnh kịp thời và thiết lập một bộ phận chuyên trách về tuân thủ pháp luật và các tiêu chuẩn tài chính xanh. Thêm nữa, ngân hàng đã tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn và học hỏi kinh nghiệm về tài chính xanh; kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển và triển khai các dự án xanh. Ngân hàng cũng tổ chức chương trình đào tạo cho nhân viên về tài chính xanh và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, nâng cao nhận thức của khách hàng và nhà đầu tư về lợi ích của tài chính xanh và dự án bền vững.

Khách hàng giao dịch tại TPBank. Nguồn: TPBank

Khách hàng giao dịch tại TPBank. Nguồn: TPBank

Phóng viên: Dòng vốn cho vay các dự án xanh thường là vốn trung và dài hạn, xin ông cho biết TPBank có kế hoạch cơ cấu nguồn vốn hoặc mở rộng nguồn vốn như thế nào để đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng:

TPBank đã tiên phong và tích cực góp phần đẩy nhanh việc hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam bằng các chương trình cấp vốn vay với giá ưu đãi, tạo điều kiện để khách hàng bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng cũng như tuân thủ định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc phát triển tín dụng xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như khoản vay tín dụng xanh kỳ hạn 3 năm giữa TPBank và Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu - The Global Climate Partnership Find (GCPF) trị giá 20 triệu USD vào năm 2019.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh của khách hàng, TPBank liên tục có kế hoạch mở rộng nguồn vốn vay cho các dự án xanh từ các nguồn vay trung và dài hạn trong và ngoài nước. Đối với các nguồn vốn tín dụng xanh trung dài hạn từ các Định chế tài chính ngước ngoài, TPBank đã chủ động tiếp cận để trao đổi nhằm tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi và nhận được sự quan tâm, thiện chí hợp tác của nhiều đối tác lớn, uy tín trên thế giới như ADB, IFC (Mỹ), DEG (Đức), BII (Anh), FinDev (Canada)…

Hiện các bên đang tiếp tục trao đổi và đàm phán về việc cấp vốn vay đi cùng với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp TPBank đưa ra định hướng về danh mục cho vay và phát triển các dự án xanh.

Phóng viên: Qua quá trình thực hiện, TPBank đã ghi nhận được những kết quả đáng chú ý nào và ông đánh giá ra sao về tiềm năng tăng trưởng tín dụng xanh trong tương lai?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: Trong quá trình triển khai, dư nợ tín dụng xanh của TPBank đã tăng trưởng ổn định, và luôn chiếm tỷ lệ gần 3% trên tổng dư nợ cấp tín dụng. Điều này thể hiện nỗ lực của TPBank trong việc phát triển và duy trì ổn định nguồn vốn đầu tư xanh, đồng thời cho thấy sự quan tâm ngày càng cao của các doanh nghiệp và cá nhân đối với các dự án xanh.

TPBank đã tài trợ cho nhiều dự án xanh trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý nước, và các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, ngân hàng tổ chức nhiều chương trình đào tạo và tham gia hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tín dụng xanh cho cả nhân viên ngân hàng và khách hàng, đồng thời cải thiện năng lực đánh giá và quản lý các dự án xanh của ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại TPBank. Nguồn: TPBank

Khách hàng giao dịch tại TPBank. Nguồn: TPBank

Về tiềm năng tăng trưởng tín dụng xanh trong tương lai, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách và chiến lược về phát triển bền vững và giảm phát thải, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển tín dụng xanh. Nhận thức của doanh nghiệp và cá nhân về tầm quan trọng của phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng cao, từ đó tăng nhu cầu về các sản phẩm tài chính xanh.

Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước, và xây dựng công trình xanh đang gia tăng, tạo ra nhiều cơ hội cho tín dụng xanh phát triển. Mặt khác, sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế và các quỹ đầu tư xanh cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn và triển khai các dự án xanh tại Việt Nam. Với những kết quả đã đạt được và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tín dụng xanh tại TPBank hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tu-tin-dung-xanh-den-tang-truong-xanh/337887.html