Từ Đại hội VI đến Đại hội XIV: Chung lòng sáng tạo
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18/12/1986. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026. Điểm chung lớn nhất giữa 2 kỳ đại hội cách nhau 40 năm này, chính là tinh thần đổi mới, khởi đầu cho cuộc 'cách mạng' to lớn, mang tính lịch sử của đất nước.
![Đại hội VI với những bước ngoặt lớn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_406_51472879/b243b97f8831616f3820.jpg)
Đại hội VI với những bước ngoặt lớn
Mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện
Lịch sử đã dạy bài học sâu sắc: Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, chúng ta không thực hiện được mục tiêu đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), ổn định đời sống Nhân dân. Sai lầm về tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985 đưa nền kinh tế đất nước đến khó khăn mới. Nền KTXH lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình đất nước đòi hỏi Đảng phải tích cực chuẩn bị, tiến hành Đại hội lần thứ VI theo yêu cầu đổi mới mạnh mẽ; phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng thực trạng của đất nước. Từ đó, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng trong chặng đường trước mắt; đề ra chủ trương, chính sách đúng để xoay chuyển tình thế.
Những bài học kinh nghiệm vẫn còn đó. Thứ nhất, Ðảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra giải pháp đúng đắn đối với vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Ðảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy (trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, tư duy lý luận); đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác làm việc.
Ðại hội VI là đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước; kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết bền lâu. Đường lối đổi mới của Đại hội VI mở đường cho đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng KTXH, tiếp tục đi lên CNXH. Đảng đã nhìn vào sự thật, vào sai lầm khuyết điểm và đổi mới theo xu thế mới của thời đại. Báo cáo Chính trị chỉ rõ 6 nhiệm vụ chủ yếu của bộ máy Nhà nước và nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Đó là: Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể; xây dựng chiến lược KTXH, cụ thể hóa thành những kế hoạch phát triển.; quản lý hành chính – xã hội và hành chính kinh tế, điều hành hoạt động KTXH trong toàn xã hội theo kế hoạch, giữ vững pháp luật, kỷ cương Nhà nước và trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, phát hiện mất cân đối và đề ra biện pháp khắc phục; thực hiện quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao. Đặc biệt, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, chất lượng cao, với đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta giành được nhiều kết quả rất quan trọng, nổi bật, nhiều điểm sáng. Đây là tiền đề bước vào giai đoạn phát triển mới, với đan xen thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức mới lớn hơn.
Đột phá cho kỷ nguyên mới
So với kỳ Đại hội lịch sử năm 1986, Đại hội XIV sẽ lại là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; "giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên CNXH.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề "Những định hướng đột phá mang tính cách mạng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước" (tháng 12/2024), GS.TS Lê Văn Lợi (Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao, trở thành nền kinh tế có quy mô GDP dự kiến đạt khoảng 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu vào năm 2025; là đối tác thương mại quan trọng, điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
“Trên nền tảng phát triển mới của đất nước, Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn từ bối cảnh quốc tế với đột phá vượt bậc của tiến bộ khoa học - công nghệ, cùng quá trình chuyển đổi mang tính cách mạng trên phạm vi toàn cầu (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng); tận dụng cơ hội từ tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, chính trị và văn minh toàn cầu, mối quan hệ đối tác chiến lược với cường quốc, nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Do đó, thời điểm hiện nay đã hội đủ điều kiện quan trọng để toàn Đảng, toàn dân thống nhất quyết tâm, khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm” – GS. TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Để đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra hàng loạt định hướng chiến lược, như: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; tinh gọn, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cán bộ và công tác cán bộ; tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế; chuyển đổi số quốc gia; phòng, chống lãng phí...
Hơn 1 năm nữa, Đại hội XIV mới diễn ra. Nhưng đầu năm nay, hàng loạt cuộc “cách mạng”, đột phá về tinh gọn bộ máy đang được thực hiện, tạo tiền đề vững chắc để đất nước thật sự vươn mình. Sẽ gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng bước đầu, đó là điều chắc chắn. Nhưng vượt qua được giai đoạn ấy, là biển rộng trời cao, là ý Đảng hợp lòng dân, là cú “vặn mình” lịch sử!