Từ chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tô đậm bản sắc, nâng tầm vị thế của Việt Nam
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) Khóa 79, làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cuba từ ngày 21-9 đến 27-9 đã thành công trên mọi phương diện, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia trong và ngoài nước nhận định.
Chuyến công tác không những khẳng định bản sắc đối ngoại của Việt Nam, củng cố các mối quan hệ song phương mà còn giúp nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nâng tầm vị thế nước Việt
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 79 và làm việc tại Mỹ?
+ TS Nicholas Chapman, chuyên gia về chính trị Châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật: Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 79 và làm việc tại Mỹ có thể coi là thành công vang dội. Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới. Đây cũng là dịp để tái khẳng định cam kết không lay chuyển của Việt Nam đối với ngoại giao, chủ nghĩa đa phương và hòa bình, đặc biệt quan trọng khi căng thẳng gia tăng trên toàn thế giới, từ châu Âu đến Trung Đông.
Trong các bài phát biểu tại LHQ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh rằng khi lòng tin vào các thể chế đa phương đang bị xói mòn thì việc củng cố các tổ chức như LHQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc theo đuổi hòa bình và hợp tác toàn cầu là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi tin rằng đây là thông điệp quan trọng nhất mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra tại Đại hội đồng LHQ. Quan điểm của Việt Nam về những vấn đề này có sức nặng rất lớn, vì đất nước này đã chuyển mình từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một quốc gia đã tận dụng ngoại giao đa phương để đảm bảo cả hòa bình và phát triển kinh tế vượt bậc.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các thể chế đa phương phát triển mang tính thời đại, thúc đẩy tầm nhìn dài hạn bao trùm khoa học và công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI). Quan điểm tiến bộ này không chỉ nhằm thúc đẩy sự phát triển mà còn chủ động giải quyết các mối đe dọa đối với hòa bình, phát triển bền vững và nhân loại.
Tôi tin rằng điều này phản ánh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, thông qua chủ nghĩa đa phương. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là thành viên tích cực của các thể chế quốc tế. Hiện nay, với vị thế ngoại giao của Việt Nam không ngừng nâng cao, vai trò chủ tịch ASEAN thành công (năm 2010 và 2020) và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc định hình các thể chế này, không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia mà còn đóng góp cho hòa bình toàn cầu.
Phóng viên: Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục khẳng định hình ảnh quốc tế là một quốc gia có trách nhiệm, đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới?
+ TS Nicholas Chapman: Việt Nam là một ví dụ điển hình về cách một quốc gia (mà theo tôi là một cường quốc tầm trung hoặc là cường quốc tầm trung trong tương lai) có thể duy trì một mức độ tự chủ đáng kể trong một thế giới đa cực ngày càng phức tạp. Ngày nay, nền kinh tế của đất nước này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam đặt nước này vào trung tâm của các tuyến thương mại khu vực, chuỗi cung ứng toàn cầu và động lực an ninh ở Đông Nam Á, khiến Việt Nam trở thành một nhân tố chủ chốt trong cả các vấn đề kinh tế và địa chính trị.
Trước những thay đổi mang tính thời đại của thế giới, Việt Nam cần tăng cường cam kết của mình đối với chủ nghĩa đa phương, củng cố quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy hợp tác quốc tế về các vấn đề chính như thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực. Theo tôi, Việt Nam không những củng cố hình ảnh của mình bằng cách chủ động tham gia vào các thể chế đa phương mà còn đề xuất các cách cải cách để đóng góp cho các vấn đề quốc tế.
Việt Nam đã đóng vai trò nổi bật tại Đại hội đồng LHQ thông qua việc chủ trì một số phiên họp và đóng góp vào các cuộc thảo luận toàn cầu quan trọng. Việt Nam đã nộp bản đệ trình tham gia Thủ tục Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia ký hiệp định mang tính lịch sử về biển cả (còn gọi là ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia) và ủng hộ các nghị quyết kêu gọi các cuộc họp cấp cao tập trung vào phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ: Mở rộng hợp tác, phát triển
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ lần này trong bối cảnh hai bên kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ vào năm 2025?
+ Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC)): Là người tham gia trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các quan chức, cựu quan chức chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè, chuyên gia, học giả, sinh viên và kiều bào Việt Nam tại Mỹ, tôi rất ấn tượng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đặc biệt trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tại mỗi cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đều thể hiện sự chân thành và tình hữu nghị, đề nghị tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, khoa học và công nghệ, nghiên cứu, quốc phòng, an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Về tổng quan, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là vô cùng thành công và sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Mỹ.
+ TS Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Thỉnh giảng về Việt Nam học tại ĐH Fulbright Việt Nam)
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ trong vòng 2 tháng tính từ khi bắt đầu nhậm chức cho thấy tầm quan trọng của Mỹ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam. Và khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ, có thể nhận thấy sự chào đón rất nhiệt tình, nồng thắm, tích cực từ giới doanh nhân cũng như giới học giả và các tầng lớp khác trong xã hội Mỹ ở mọi nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến thăm. Điều này giúp cho chúng ta tin tưởng rằng mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ không chỉ là mối quan hệ giữa hai quốc gia mà còn là mối quan hệ chiều sâu cũng như chiều rộng và nó đã ngày càng bám rễ sâu hơn.
Có thể thấy, kể từ năm 2013 khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ giữa hai nước đã có nhiều tiến triển nhanh chóng. Đến năm vừa rồi, Việt Nam và Mỹ đã ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và chúng ta đã thấy có sự cải thiện rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công trong cả hai mục tiêu, đó là chứng minh tính liên tục và ổn định trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt đối với Mỹ, cũng như đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng quá trình mở cửa kinh tế của Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp. Những bài phát biểu của Tổng Bí thư. Chủ tịch nước khẳng định một thực tế về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ và cách tiếp cận đa phương trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là bằng chứng cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục con đường phát triển hiện tại, theo TS Andrew Wells-Đặng, chuyên gia cao cấp về Việt Nam tại Trung tâm châu Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP).
Phóng viên: Sau một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ông nhận định gì về những thành quả hợp tác đó?
+ Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Mục tiêu xây dựng nền kinh tế dựa trên công nghệ và đổi mới của Việt Nam hoàn toàn là trọng tâm phù hợp của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2023, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã vượt mức 124 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Mỹ, trong khi Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Năm ngoái cũng đánh dấu mức cao kỷ lục về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam với 36 tỉ USD vốn đầu tư đã đăng ký, tăng 32% so với năm trước đó.
Các công ty và chính phủ Mỹ đang đầu tư vào phát triển lực lượng tại Việt Nam, giúp củng cố hệ sinh thái bán dẫn và thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và đưa hai nước xích lại gần nhau hơn nữa.
Chính vì thế, hợp tác công nghệ sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ năm 2023, các lĩnh vực hợp tác bao gồm an ninh mạng, cáp ngầm và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Ở những lĩnh vực này, Mỹ có thể đóng góp vào tiến trình tạo ra khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế kỹ thuật số, giải quyết các vấn đề đạo đức, pháp lý và thể chế xung quanh AI, đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới như những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mỹ ủng hộ các mục tiêu của Việt Nam về độc lập, tự chủ và thịnh vượng và có thể cung cấp các công cụ nghiên cứu, đặc biệt trong khoa học và công nghệ, công nghệ sinh học, điện toán lượng tử và AI.
+ TS Nguyễn Thành Trung: Từ cách đây khoảng 3 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành 1 trong 10 quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Năm vừa rồi, Việt Nam tiếp tục thăng hạng và nằm trong nhóm 8 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Thực tế này cho thấy qua từng năm quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có rất nhiều bước tiến không những vững vàng mà còn rất nhanh chóng. Điều này đặt nền tảng cho chúng ta hy vọng vào tương lai rằng mối quan hệ thương mại Việt – Mỹ sẽ bước qua những trở ngại chính trị. Trong thời gian tới dù bất kỳ ai làm Tổng thống Mỹ thì vẫn có thể tin tưởng mối quan hệ thương mại này sẽ vẫn phát triển.
So với cách đây khoảng 2 thập niên, mối quan hệ đã tiến rất xa. Việt Nam ký Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Mỹ vào năm 2001, từ đó đến nay quan hệ thương mại đã tăng tốc qua từng năm và khuynh hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới khi mà hai nước tiếp tục có những cam kết chính trị về mở cửa thị trường cũng như đẩy mạnh quan hệ về thương mại và đầu tư.
Phía Mỹ đang nói đến sáng kiến hợp tác kinh tế đa phương ví dụ như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF), hướng đến hợp tác phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong thời gian tới. Việc gia nhập sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam trở thành một phần hết sức quan trọng trong chuỗi cung ứng quan trọng do Mỹ dẫn dắt ở trên thế giới.
Phóng viên: Công nghệ là một lĩnh vực hợp tác quan trọng mà hai nước cùng hướng đến trong thời gian tới. Chuyên gia đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Trong chuyến công tác tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi tín hiệu đến nhà đầu tư Mỹ rằng Việt Nam rất quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn cũng như AI. Việc hợp tác này đòi hỏi thời gian cũng như cam kết chính trị từ phía Việt Nam cũng như từ phía Mỹ. Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hai nước đã có kế hoạch hành động để thúc đẩy hợp tác trong việc đào tạo nhân sự Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tất nhiên cũng cần phải hiểu rằng việc đào tạo này đòi hỏi thời gian và cần đến sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Cam kết chính trị cần phải đi từ những cấp cao đi xuống cấp dưới hơn, đi vào các trường đại học, cơ quan ban ngành liên quan cũng cần hiểu rằng họ phải thấu hiểu vấn đề này và đầu tư nhiều hơn vào việc sẵn sàng cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực để thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia, ngoài những hợp tác từ chính phủ Mỹ. Có rất nhiều công ty tư nhân của Mỹ cũng muốn xem xét đầu tư vào Việt Nam.
Lĩnh vực công nghệ bán dẫn và AI vốn rất hấp dẫn. Rất nhiều các quốc gia khác chứ không chỉ Việt Nam đang đưa ra những lời mời vô cùng hấp dẫn với những công ty công nghệ cao của Mỹ đầu tư vào nước họ và do đó Việt Nam cần phải có chính sách cụ thể và hấp dẫn mới có thể cạnh tranh được dòng vốn vào công nghệ cao.
Quan hệ Việt Nam - Cuba: Thấm đượm tình hữu nghị
Nhận định về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba, Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Joy Puentes Saldise cho biết chuyến công du này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Cuba.
Phóng viên: Cụ thể, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Cuba có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt Nam - Cuba trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
+ Phó Đại sứ Joy Puentes Saldise: Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam - Cuba đã trải qua lịch sử hơn 60 năm với nhiều cột mốc quan trọng. Quan hệ Việt Nam - Cuba còn là mối quan hệ được xây dựng dựa trên tư tưởng giải phóng dân tộc, giành độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Fidel Castro; cũng như tư tưởng thúc đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của các nước nhỏ chống chủ nghĩa đế quốc.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba vào năm 2025 (2-12-1960 – 2-12-2025). Đây là chuyến thăm được Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba hết sức mong đợi. Từ trước đến nay, đặc biệt là trong những tháng gần đây khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân dân Cuba luôn dõi theo, quan tâm tình hình của Việt Nam nói chung và tình hình các nhà lãnh đạo Việt Nam nói riêng.
Phóng viên: Những trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam - Cuba trong thời gian tới có thể là gì, thưa ông?
+ Phó Đại sứ Joy Puentes Saldise: Cuba đang triển khai mô hình hợp tác và đầu tư mới với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác trong đặc khu phát triển Mariel.
Chúng tôi rất vui vì hiện có một nhóm doanh nhân Việt Nam đang đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và phân bón ở Cuba, cũng như các vấn đề khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đối với Cuba, điều này rất quan trọng. Bởi, dựa trên kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, Cuba có thể rút ra được kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này. Đối với chúng tôi, những vấn đề liên quan đến nông sản, thực phẩm đều rất quan trọng, mang tính chiến lược, đảm bảo an ninh lương thực. Cũng chính vì thế, các nhà đầu tư Việt Nam luôn được tạo nhiều điều kiện khi tham gia đầu tư tại đặc khu Mariel.
Còn trong lĩnh vực y tế, đã có một biên bản ghi nhớ được ký kết giữa tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và Bộ Y tế Cuba. Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Cuba cũng có những chương trình trao đổi học bổng, giao lưu sinh viên, trong đó Cuba thường cung cấp học bổng trong lĩnh vực y tế nhằm góp phần đào tạo sinh viên y khoa cho Việt Nam. Ngoài ra, bên cạnh Quảng Trị, Cuba cũng có những dự án về cung cấp dịch vụ y tế đến các tỉnh, thành khác của Việt Nam. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đang triển khai, làm việc nhằm đi đến một thỏa thuận giữa một nhóm bệnh viện, địa phương và Bộ Y tế Cuba. Tôi tin dự án này sẽ có kết quả tốt đẹp.
Cùng với đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, một thỏa thuận đã được ký kết giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Mayabeque. Đây là một loại hình hợp tác mới, có thể mang lại kết quả tốt thông qua việc xác định những tiềm năng của mỗi bên để bổ sung, phát triển lẫn nhau. Các thỏa thuận được ký kết sẽ mở rộng đáng kể và tăng cường hiệu quả mối quan hệ kinh tế - thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Cuba.