Từ câu chuyện bao bì đến những lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Canada
Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về xuất khẩu hơn khi đặt chi nhánh tại Canada thay vì xuất khẩu trực tiếp.
Tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam – Canada (VCBA) do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với VCBA tổ chức, ông Phạm Hồng Hải, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Thiên Việt chia sẻ, thông thường doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhìn thị trường Mỹ và Trung Quốc 2 thị trường lớn nhất.
Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 50% doanh số xuất khẩu toàn cầu đa số của các công ty. Tuy nhiên, thị trường Mỹ lại là thị trường khó nhất và rất cạnh tranh khi đa số doanh nghiệp trên thế giới đều nhắm đến.
“Thay vì chúng ta đâm đầu vào cái khó nhất, tại sao chúng ta không đi cái cửa dễ hơn thuận lợi hơn. Đó là đi qua thị trường Canada làm cửa ngõ để tiếp cận gián tiếp”, ông Hải đề xuất và cho rằng muốn đi vào thị trường Bắc Mỹ nên đi vào thị trường Canada.
Đây cũng là cách làm của nhiều doanh nghiệp trên thế giới khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp cận qua Hồng Không, thị trường ASEAN sẽ qua Singapore, các nước Trung Đông sẽ qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Lý giải về nhận định trên, ông Hải cho biết, thị trường Canada tương đối ổn định và đang tập trung vào thúc đẩy thương mại khi Canada đã ký 15 hiệp định thương mại với các khối kinh tế chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.
“Đặt cơ sở tại Canada, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường toàn cầu có giá trị 60.000 nghìn tỷ USD và 1,5 tỷ người tiêu dùng thế giới”.
Cùng với đó, Canada đã ký Hiệp định USMCA (Hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ) nên doanh nghiệp sẽ tiếp cận thị trường Mỹ và Mexico có GDP 30,000 tỷ USD, hơn nửa tỷ người.
Để vào thị trường Canada, doanh nghiệp sẽ có 2 cách tiếp cận là xuất khẩu trực tiếp hoặc đặt chi nhánh.
Theo các phân tích của ông Hải, doanh nghiệp Việt Nam đặt chi nhánh tại Canada sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Ông Hải thông tin, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang xuất khẩu hoặc sản xuất gia công cho xuất khẩu, sẽ được hưởng nhiều lợi thế để nâng tầm hoạt động kinh doanh lên thành tựu cao hơn qua chi nhánh, công ty con tại Canada.
Hiện nay, Chính phủ Canada rất hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME (hơn 90% doanh nghiệp tại Canada là doanh nghiệp SME), không chỉ hỗ trợ bằng chính sách mà cả bằng tiền.
Do đó, việc doanh nghiệp Việt Nam đặt chi nhánh Canada sẽ được Chính phủ cung cấp tiền để hỗ trợ phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu từ Canada sang các thị trường.
Việc đặt cơ sở kinh doanh tại Canada không phải chỉ nhằm tiếp cận thị trường Canada, mà còn đạt được mục tiêu lớn hơn là nền tảng cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường xuất khẩu ra toàn cầu và quảng bá thương hiệu của mình ra quốc tế.
Cụ thể là việc xuất khẩu đi vòng qua chi nhánh ở Canada, khách hàng sẽ có sự tin tưởng vào thương hiệu của thị trường Canada, sẽ tạo lợi thế xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam mở chi nhánh Canada và sử dụng lao động nhập cư từ nhiều nước tại đây (Canada có 7,5 triệu dân nhập cư), thì chính lực lượng lao động này sẽ mở cửa vào các thị trường mới cho doanh nghiệp.
Ông Hải dẫn thành công từ một doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam đã qua Canada đặt nhà máy nhận được tài trợ vài triệu USD từ Chính phủ.
Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Canada đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác, nếu như ở Việt Nam thì rất khó được chấp thuận. Đây là minh chứng thành công cho tận dụng việc hỗ trợ về tài chính và tận dụng thương hiệu Canada ra toàn cầu.
Một vấn đề được ông Hải lưu ý là các quy định chuẩn mực, hàng hóa bao bì cũng rất quan trọng tại Canada. Ở đây, bao bì yêu cầu cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dẫn chứng việc được tặng sản phẩm OCOP của một doanh nghiệp tại Bình Định và sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Dan Ôn bên lề hội nghị, ông Hải cho rằng có sự khác biệt rất lớn về bao bì.
“Chất lượng rất tốt nhưng bao bì không bắt mắt thì cuối cùng không phải bán sản phẩm mà bán dịch vụ, bán sự trải nghiệm của khách hàng. Do vậy cần chú ý phần bao bì và marketing”, ông Hải cho biết đây là điểm hết sức lưu ý và nhấn mạnh bao bì cũng rất quan trọng, quyết định sự thành công của sản phẩm trong thời đại cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Ông Phạm Hồng Hải từng là Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC, từng phụ trách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và từng có 4 năm ở Canada phụ trách thu hút FDI vào thị trường này.