Từ 1/6, quy định mới về đào tạo lái xe hạng B1, B2, C có hiệu lực, người dân cần biết các quy trình

Bộ GTVT ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy định đào tạo lái xe hạng B1, B2, C. Thông tư mới có gì thay đổi?

Quy định mới về đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C

Theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái xe. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT) như sau:

Đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C

Về kiểm tra, xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo:

Kiểm tra khi kết thúc môn học lý thuyết theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết (nội dung bộ câu hỏi gồm các môn học: Pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; đạo đức, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia và phòng chống cháy nổ, cứu nạn và cứu hộ khi tham gia giao thông) và mô phỏng các tình huống giao thông.

Kiểm tra khi kết thúc môn học thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.

Xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người học đáp ứng yêu cầu theo quy định nêu trên.

Khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo lái xe

Cơ sở đào tạo lái xe căn cứ các nội dung gồm: Khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo quy định nêu trên, thời gian ôn tập, kiểm tra hết môn và nghỉ lễ; để xây dựng tổng thời gian khóa đào tạo trong chương trình đào tạo lái xe đảm bảo đạt được mục tiêu: hạng B1 chương trình đào tạo thường xuyên và đối với hạng B2, hạng C là trình độ sơ cấp.

Từ 1/6, quy định mới về đào tạo lái xe hạng B1, B2, C chính thức có hiệu lực.

Thi bằng lái xe hạng B2, C, D, E, F được học lý thuyết online

Theo quy định hiện hành, tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo.

Trong thời hạn trên 01 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.

Tuy nhiên, quy định trên đã được sửa đổi tại Điểm a, Khoản 4, Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, nêu rõ hình thức đào tạo cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F như sau:

Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F được đào tạo:

- Đối với nội dung học lý thuyết được lựa chọn một trong các hình thức sau:

+ Tập trung tại cơ sở đào tạo;

+ Tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn;

+ Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Riêng đối với các môn phải học tập trung tại cơ sở đào tạo, gồm: cấu tạo và sửa chữa thông thường; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe;

- Đối với nội dung học thực hành lái xe: theo hình thức tập trung;

- Phải kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo.

Như vậy theo quy định mới, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F có thể lựa chọn học online đối với các nội dung lý thuyết.

Việc tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện như thế nào?

Theo Khoản 14, Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định về việc tổ chức sát hạch lái xe như sau:

- Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính (trừ sát hạch đối với hạng A1 tại các địa bàn thuộc các đô thị từ loại 3 trở lên có khoảng cách đến trung tâm đô thị loại 3 trở lên trên 100km được phép sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy); phòng sát hạch lý thuyết có camera để giám sát quá trình sát hạch;

- Sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F; phòng sát hạch có camera để giám sát quá trình sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc cơ sở đào tạo lái xe có sân sát hạch đủ điều kiện, có thiết bị chấm điểm tự động (trừ các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên trên 100km được phép sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp);

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F và có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;

- Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.

Quy định số lượng học viên tối đa lái xe trên một xe tập lái

Theo Khoản 3, Điều 13 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, số lượng học viên được quy định trên xe tập lái:

- Hạng xe B1: không quá 05 học viên.

- Hạng xe B2: không quá 05 học viên.

- Hạng xe C: không quá 08 học viên.

Hồ sơ đào tạo lái xe bao gồm những gì?

Người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT;

- Bản sao giấy CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc CCCD đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

(Khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT)

Học lái xe nâng hạng hồ sơ gồm những gì?

Người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT;

- Bản sao giấy CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND/CCCD đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);

Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

(Khoản 2 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT).

Người học lái xe cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Dự sát hạch lái xe hồ sơ gồm những gì?

Hồ sơ dự sát hạch lái xe lần đầu

Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Hồ sơ theo quy định;

- Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;

- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.

(Khoản 1, Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 05/2023/TT-BGTVT)

Hồ sơ dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe

Đối với người dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F

Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Hồ sơ theo quy định;

- Chứng chỉ đào tạo nâng hạng;

- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.

(Khoản 2 Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 05/2023/TT-BGTVT)

Hồ sơ dự sát hạch lại

Đối với người dự sát hạch lại do giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng theo quy định:

Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Bản sao giấy CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

Đối với người dự sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe

Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Bản sao giấy CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND/CCCD đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;

- Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).

(Khoản 4 Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 05/2023/TT-BGTVT)

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-6-quy-dinh-moi-ve-dao-tao-lai-xe-hang-b1-b2-c-co-hieu-luc-nguoi-dan-can-biet-cac-quy-trinh-172240405113952633.htm