TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM đang 'từ đáy đi lên'
TS Trần Du Lịch đề nghị TP.HCM cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lớn hơn vào năm 2024 để bù lại năm 2023.
Chiều 29-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2023.
Tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2023, TP làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Tuy nhiên tình hình thế giới đã tác động trực tiếp đến sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và TP nói riêng, làm đơn hàng sản xuất giảm, tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm…
Chia sẻ tại phiên họp, TS Trần Du Lịch nhìn nhận thời điểm này kinh tế TP còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần vui vẻ hơn bởi kinh tế TP đã có sự phục hồi, TP.HCM cũng đã có Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Đi sâu phân tích tình hình kinh tế TP, TS Trần Du Lịch nhìn nhận kinh tế TP đã chạm đáy về tăng trưởng và hiện đang "từ đáy đi lên", "thoát đáy", còn nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong đó, nhiều chỉ số tăng trưởng ngoạn mục như tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp, dịch vụ... Tuy nhiên, ngành xây dựng, thị trường bất động sản vẫn còn âm mà đây là những ngành TP cần tập trung nếu muốn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.
Theo TS Trần Du Lịch, kinh tế quý II phục hồi không phải nhờ những giải pháp TP đưa ra mới đây mà là nhờ bản thân thị trường, doanh nghiệp tự “chồi đạp". “Không có giải pháp nào của chính quyền mà tạo tăng trưởng nhất thời, chính sách luôn có độ trễ” – ông nói và kỳ vọng những giải pháp này sẽ tác động vào kết quả cuối năm.
TS Trần Du Lịch cũng nhìn nhận những nỗ lực của TP về thủ tục để tháo gỡ các điểm nghẽn về bất động sản và các vấn đề khác là tích cực nhưng chưa tác động trong lúc này mà kỳ vọng cho giai đoạn sau.
“Hiện nay tâm lý sợ sai phạm của công chức trong bộ máy hành chính các cấp dẫn đến trì trệ trong công vụ chưa được cải thiện đáng kể” – TS Lịch nói và cho rằng TP cũng đang đối diện với khó khăn riêng. Nguyên nhân là bộ máy của TP vừa làm những việc hiện tại, vừa xử lý trùng trùng điệp điệp những việc tồn đọng của nhiều năm và cả những việc mới. Đây là thách thức của cả hệ thống chính trị.
Từ đây đến cuối năm 2023, TS Trần Du lịch đề nghị TP cần có giải pháp hướng đến mục tiêu tăng trưởng tốt hơn vào năm sau, bởi sắp tới vẫn chủ yếu dựa vào thị trường. Ông cho rằng TP cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lớn hơn vào năm 2024 để bù lại năm 2023 nhưng chỉ được trễ hẹn một năm, chứ không để trễ vài năm.
“Chính quyền không thể muốn tăng trưởng kinh tế bao nhiêu là tăng được, nhà nước chỉ hỗ trợ, tác động thị trường còn thị trường vẫn là yếu tố quyết định. Do đó, TP cần chọn giải pháp hỗ trợ tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển, còn lại là chuyện của doanh nghiệp và thị trường” – TS Lịch đề xuất.
Cũng trong sáu tháng cuối năm 2023, TS Lịch đề nghị TP.HCM tập trung triển khai Nghị quyết 98. Trong đó tập trung nâng cao năng lực, bộ máy hành chính các cấp ngang tầm nghị quyết; tập trung tháo gỡ những dự án đang bị ngưng trễ nhiều năm, nhất là dự án đất đai, tạo sức bật cho thị trường bất động sản trong cuối năm nay.
Về lâu dài, cần chỉ đạo thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội theo luật, chậm nhất là quý I-2024 trình Thủ tướng, đẩy nhanh đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển Cần Giờ, xử lý dứt điểm dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng…
Đáng chú ý, hiện nay TP có nguồn vật chất cực kì lớn là lực lượng doanh nghiệp nhà nước. TS Trần Du Lịch đề nghị TP đầu tư nghiên cứu ngay đề án sắp xếp tổ chức lại, khai thác lực lượng doanh nghiệp này. Đặc biệt, về lâu dài chỉ tập trung xây dựng Công ty đầu tư tài chính nhà nước làm công cụ tài chính và xây dựng Tổng công ty xây dựng kinh tế, hạ tầng, đô thị như Becamex Bình Dương để thúc đẩy TP phát triển.
Cùng đó, tổ chức các doanh nghiệp trong nước theo hình thức phi lợi nhuận để làm dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 98.
Sáu tháng đầu năm 2023, TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tính tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng chín ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 4,9%; sản xuất công nghiệp của TP từng bước ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9% so với cùng kỳ; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 561.000 tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nước ước đạt hơn 227.000 tỉ đồng, đạt 48,5% dự toán năm và bằng 93,2% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7%...
Nguồn PLO: https://plo.vn/ts-tran-du-lich-kinh-te-tphcm-dang-tu-day-di-len-post740081.html