Trường Sa - Tiếng lòng thiêng liêng!

Mặt trời tháng Tư vừa tỏa nắng, cũng là thời điểm tàu HQ 571 mang tên Trường Sa rúc còi tạm biệt đất liền, đưa đoàn công tác số 6 ra khơi.

Chúng tôi hướng về đảo xa, tưởng nhớ những người con đất Việt nằm lại nơi này, kết tinh thành hồn thiêng sông núi… (Ảnh: Cao Thị Thanh Hà)

LTS: Đó không hẳn là tiếng hát từ một bài ca mà còn là những thanh âm đầy xúc cảm cất lên từ trái tim nghệ sĩ, chiến sĩ và các thành viên đoàn công tác số 6 khi đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thân yêu. Dù hải trình đã khép lại nhưng những giai điệu ấy luôn dội về trong mỗi người, nhân thêm lòng tự hào và tinh thần cống hiến; rung lên bao niềm yêu, nỗi nhớ… với biển đảo quê hương.

Bài 1: Lộng lẫy biển trời

Mặt trời tháng Tư vừa tỏa nắng, dát bạc trên những lớp sóng hiền hòa, đủng đỉnh dạo chơi nơi Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng là thời điểm tàu HQ 571 mang tên Trường Sa rúc còi tạm biệt đất liền, đưa đoàn công tác số 6 ra khơi.

Ngay từ phút vẫy tay tạm biệt đoàn nghi lễ trang nghiêm tiễn tàu rời cảng rồi khi lên boong tròn xoe mắt nhìn luồng sóng tung bọt trắng xóa đuổi theo con tàu thẳng tiến ra biển Đông bao la, chắc chắn rằng trái tim mỗi người đều dâng trào niềm xúc động khó diễn tả thành lời nhưng sẵn sàng bắt nhịp: “Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa. Nước mây muôn màu. Những con tàu ra Bắc vào Nam. Biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà. Vui một nhà vang tiếng hò khoan…”.

Biếc xanh lồng xanh biếc

Đó là ca khúc “Bài ca thống nhất” được nhạc sĩ Võ Văn Di viết cách đây gần 50 năm (1976), mừng Bắc - Nam liền một dải, non sông hòa ca - 30/4/1975. Nay, được đứng giữa biển trời lộng lẫy, tráng lệ mà hát trong những reo ca, hân hoan, còn niềm hạnh phúc nào hơn?

Hát để hít hà hương thơm giao hòa, lắng nghe nhịp thở của trùng dương; để tự hào về giang sơn gấm vóc của mình từ đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau và bờ biển dài 3260km cùng vùng biển Đông bao la với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Và, bên kia - bên này, đằng trước rồi phía sau, tấp nập những gương mặt hối hả bắt nhịp sóng viễn thông căng đầy tiếng ca của bao niềm hân hoan, hạnh phúc khi lần đầu được hòa mình vào biển trời mà ước mơ, mà khát khao, mà cười vang, mà làm duyên…

Dù là tranh thủ, vội vã, có khi mới diễn tả được nửa chừng cảm xúc của những rung động đầu tiên thì tiếng thoại ngừng bặt, nhưng cũng đủ gieo vào lòng người thân nơi quê nhà tiếng nhạc của những lãng mạn, mê say: “Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ/Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ/Và gió, gió hát thật êm/Và mây, mây trôi thật hiền/Biển ngây thơ, và biển không như bây giờ...” (Chuyện tình của biển, sáng tác: Thanh Tùng).

Trong khi tàu Trường Sa - HQ 571 mải miết đêm ngày rẽ sóng, nhuộm thêm màu biếc xanh lồng xanh biếc, mở thêm không gian gấm hoa của biển trời Tổ quốc thì mỗi thành viên trong đoàn công tác tranh thủ trở thành “phó nháy” để chớp lấy cho người, cho mình khoảnh khắc lãng đãng mà không kém phần đằm thắm (với phái đẹp), không kém phần khí chất (với cánh mày râu); không chỉ với vầng thái dương, chòm mây đỏng đảnh lúc sớm mai hay chiều muộn; với sóng, với gió vi vu suốt ngày không biết mỏi mà còn với cả chút ảo diệu khi HQ 571 “lắc mình” lúc gặp luồng chảy mạnh.

Mỗi khoảnh khắc ấy lại chấm thành nốt nhạc trên khuông ký ức chẳng thể diễn tả thành lời: “Tiếng sóng xô bãi cát. Tiếng biển xanh đang hát (…). Hát tóc em xanh lắm, hát mắt em xa lắm. Sóng hát ru em biển hát dịu hiền. Tiếng sóng biển, hát tia nắng đầu tiên. Tiếng sóng biển, khát khao mối tình yêu trong sáng” (Ru em bằng tiếng sóng, sáng tác: Dương Thụ).

Đứng bên mạn tàu vi vút gió, tôi hồi hộp phóng tầm mắt ra xa, kịp theo bóng chim chao liệng mà liên tưởng đó là cánh chim bằng – chiến sĩ hải quân - đang đêm ngày canh gác trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, chỉ ngày mai thôi cả đoàn sẽ được gặp.

Rồi bất ngờ khi thấy bóng ấy đáp xuống biển, trở thành chim cốc bơi dập dềnh kiếm tìm tôm cá. Chiến sĩ trong tổ hậu cần mới ngoài tuổi đôi mươi bảo đó là loài chim bắt cá rất thân thuộc với người đi biển, vì tối về dễ dàng gặp chúng trú đậu trên tàu, thuyền. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Thị Thanh Hà đến từ TPHCM đứng kế bên cứ một điều tiếc hai điều luyến vì chị không kịp phóng ống tele chụp lại bóng chim ấy.

Chị cầm lòng thủ thỉ: “Nếu may gặp lại, nhớ gọi chị nghe em!”, rồi cùng nháy mắt, cười vang trong nhịp điệu: “Theo những cánh chim bầu trời bao la. Con sóng đi theo thời gian mênh mông. Vẫn mang tình em mùa Xuân rực rỡ. Náo nức lòng trai ngày đi biển xa” (Tình em biển cả, sáng tác: Nguyễn Đức Toàn).

Và, buổi sớm ngày cuối trên tàu Trường Sa - HQ 571, mặc cơn say sóng, tôi và chị cùng những người bạn thân yêu D13 lưu lại bài hát của riêng mình, biên soạn theo ca khúc “Tạm biệt búp bê thân yêu” (Thơ: Nguyễn Trọng Hoàn, nhạc: Hoàng Thông).

Ai cũng cười thật tươi nhưng khóe mắt chẳng giấu được những bâng khuâng: “Tạm biệt Trường Sa thân yêu. Tạm biệt chú hải quân nhé. Tạm biệt biển đảo quê hương, mai ta phải chia tay rồi. Nhớ mãi quên sao được quần đảo Trường Sa yêu thương… Nhớ mãi quên sao được những ngày ta bên nhau!” …

Có khi, ngắt chùm hoa giấy tím hồng của đảo để gửi tặng tiếng hát quê hương. (Ảnh: Cao Thị Thanh Hà)

Quyện hòa thắm thiết!

Đêm đầu tiên giữa biển khơi, cả đoàn lên boong và bắt nhịp. Vẫn là những ca khúc trữ tình quen thuộc về quê hương, đất nước, từ “Việt Nam ơi!”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Chiều quê hương”, “Mùa Hè đẹp nhất” đến “Lướt sóng ra khơi”, “Em đi bộ đội”, “Chiều Xuân”, “Một đời người, một rừng cây”, “Tương phùng, tương ngộ”… nhưng sao nghe giữa tiếng sóng, tiếng gió và cả tiếng ầm ì của máy tàu chạy đều trộn lẫn mùi hăng hắc của dầu diesel, lại thấy thêm hào sảng, ấm áp, ngọt ngào!

NSƯT Mai Lan (Nhà hát Chèo Bắc Giang) sóng sánh ánh nhìn trong từng câu quan họ giao duyên: “Khi tương phùng là khi nay a tương ngộ. Xuôi i lên bộ văng vẳng tiếng tơ tình. Chiêm i í bao lại lần chần là canh năm canh. Bên i mạn oanh i ơ mạn oanh. Ngồi tựa giăng thanh thương nhớ sầu oanh, thương nhớ sầu oanh…” (Tương phùng tương ngộ).

Chị Thọ (Công đoàn ngành Giao thông Vận tải) truyền sức Xuân phơi phới qua giọng hát dày, khỏe: “Má em hồng hoa đào tươi thắm. Như tình yêu, như mùa Xuân đến. Mỗi khi Xuân về làm hồng môi em. Nắng Xuân rơi đầy chiều vàng rực rỡ…” (Chiều Xuân, Ngọc Châu).

Chị Hà (Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị) hóa thân thành nữ chiến sĩ tòng quân nhí nhảnh, sáng trong mà luôn bản lĩnh, kiên cường: “Hôm naу em đi bộ đội, màu xanh áo mới tinh khôi, màu xanh của tuổi đôi mươi, giữ muôn trùng cờ sao phấp phới. Trong tiếng hát vang oai hùng, chân đều chân vai vác súng. Nhìn em như khói thép đã được nung ý chí diệt thù…” (Em đi bộ đội, sáng tác: Trần Xuân Túc).

Những tiếng hát ấy quyện hòa thắm thiết cùng tiếng hát của các chiến sĩ hải quân trên sáu điểm đảo đoàn công tác được tới thăm: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B và Trường Sa lớn.

Có khi lên đảo ngay giữa trưa nắng chang chang và hệ thống âm thanh chỉ là bộ loa kéo mang từ HQ 571, không cần chỉnh hay tăng âm mà sao tiếng hát vẫn ngọt, vẫn tình, vẫn hối thúc lòng người không ngừng khát vọng, không ngừng cống hiến. Có khi ngắt chùm hoa giấy tím hồng của đảo trao vội thay cho lời ngợi khen, cảm ơn khiến mọi người cùng bật cười trong nước mắt rưng rưng.

Có khi vừa nôn nao, chếnh choáng theo cơn say sóng nhưng vừa hòa nhịp với quân dân trên đảo thì chỉ còn đó những niềm cảm phục, biết ơn và trao gửi niềm tin sắt son, ấm nồng: “Trường Sa vì đất liền - Đất liền vì biển đảo quê hương”.

Người chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Đông A cũng say sưa hát trong niềm kiêu hãnh của tinh thần dân tộc Việt: “Bạn có nghe âm thanh gì không? Từ núi xanh băng qua biển Đông. Hào khí cha ông ta muôn đời bao la, bao la nước non, quê hương Việt Nam ơi!. Giờ đứng lên phất cao cờ bay. Rồng nước Nam tung muôn ngàn mây. Thề khó khăn, gian nguy nào, hiên ngang bước chân ta về…” (Việt Nam tôi, sáng tác: Jack).

Và, giữa muôn vàn lời ca ấy, tôi không quên được thời khắc được cùng mọi người thả cúc vàng, hạc giấy tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Cúc vàng được Ngọc Trang Xanh mang ra từ đất liền. Hạc giấy do thủy thủ và các thành viên trong đoàn công tác, nhất là phòng D13, tự tay gấp từ trang giấy trắng, bằng cả tấm lòng tri ân và niềm thương nhớ khôn nguôi về những người con đất Việt lặng thầm nhuộm thắm máu đào giữ bình yên cho biển đảo quê hương, đặc biệt là 64 liệt sĩ năm ấy (1988) vừa tròn tuổi đôi mươi, quyết chiến đến hơi thở cuối cùng tại đảo Gạc Ma!

Tàu Trường Sa - HQ 571 neo lại bên đảo Len Đao giữa buổi chiều nắng vàng rực rỡ và gió trời lồng lộng. Chúng tôi hướng về đảo xa, nơi có Gạc Ma mãi mãi là máu thịt của đất mẹ Việt Nam, để tỏ lòng biết ơn những người con đất Việt nằm lại nơi này, kết tinh thành hồn thiêng sông núi, vững vàng bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Rồi gió bắt đầu lặng và cờ Tổ quốc rủ… Với tôi, đó là khúc hát thiêng liêng nhất, diệu kỳ nhất: “Tàu buông neo khơi xa. Giữa một vùng biển sóng. Thả một vòng hoa trắng. Nhớ đồng đội hy sinh. Cả Trường Sa lung linh. Sắng ngời lên sắc biển. Phải anh vừa hiển hiện. Cánh chim đảo nghiêng mình…” (Lung linh hồn biển, sáng tác: Huỳnh Phước Long).

Tiếng hát vẫn tiếp nối từ cabin tàu HQ 571 nhà dàn DK1. (Ảnh: Cao Thị Thanh Hà)

“Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng”

Tàu Trường Sa - HQ 571 tới nhà giàn DK1/11 (Tư Chính) nằm trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc (Bà Rịa - Vũng Tàu) lúc hừng sáng nhưng gặp lúc biển động. Có thể sóng lớn ngăn bước chân nhưng không thể ngăn được tiếng lòng mà mỗi thành viên đoàn công tác số 6 muốn gửi tới các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Từ bộ đàm trực tiếp, mặc sóng vỗ lên boong, gió hun hút thổi, tiếng hát vẫn tiếp nối. Người đất liền nghẹn ngào mà vững tin nhắn gửi: “Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương. (…) Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh” (Gần lắm Trường Sa, sáng tác: Huỳnh Vĩnh Long). Và: “Em hát cho anh nghe/Điệu dân ca của mọi miền Tổ quốc/Khi anh đang ngày đêm trên chốt/Hay đứng canh nơi hải đảo xa. (…) Nhắn gửi anh người chiến sĩ/Giữ lấy, giữ lấy... đất trời của ta/Hãy giữ lấy biển rộng bao la…” (Em hát cho anh nghe, dân ca quan họ Bắc Ninh).

Từ bên kia đầu dây, các chiến sĩ hải quân khỏe khoắn, lạc quan đáp lại: “Tập thể anh em nhà giàn DK1/11 gửi đến đoàn công tác bài hát “Lính nhà giàn đón Xuân” (sáng tác: Thập Nhất – PV) . Chúc anh em đoàn công tác mạnh khỏe, anh em nhà giàn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên Nhân dân cả nước cứ yên tâm về anh em trên nhà giàn”. Rồi tiếng hát của các anh trập trùng: “Sóng gió mặc sóng gió. Lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chênh chông. Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió. Lính nhà giàn thề không ngại khó. Mưa giông mặc mưa giông. Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng. Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời. Giữa biển trời vẫn sống yêu đời. (…) Lính đàn ca sáo ngân nga. Gửi mùa Xuân đến với quê nhà” .

Bài 2: Hối thúc khát vọng

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-sa-tieng-long-thieng-lieng-bai-1-long-lay-bien-troi-post682770.html