Trường nghề 'lực bất tòng tâm' khi GV dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại bỏ việc

Nỗi lo về thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại đang là nỗi lo chung của nhiều trường cao đẳng nghề hiện nay.

Các trường cao đẳng nghề hiện nay đang phải loay hoay giải quyết bài toán khó khăn trong tuyển sinh học viên ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Khó khăn này dường như nhân đôi khi đội ngũ giáo viên dạy các bộ môn thuộc nhóm ngành nghề này đang có xu hướng rời khỏi trường để đi làm công việc khác hoặc chọn làm tại những cơ sở đào tạo ngoài nhà trường với mức lương cao hơn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng này, Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) bày tỏ, hiện nhà trường không chỉ xót xa khi nhìn đội ngũ nhân lực cốt cán từng người rời đi, việc tuyển dụng được giáo viên mới thay thế cũng là việc không hề đơn giản.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, thầy Vũ cho biết: "Với đối tượng là giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm ngành nghề nói trên, hiện tại dù có chế độ chính sách hỗ trợ nhưng so với công sức mà giáo viên bỏ ra thì mức đó không đáng kể.

Trên thực tế, theo quy định, giáo viên hiện chỉ được nhận thêm phụ cấp khi dạy các mô đun nặng nhọc, độc hại bằng 0,1% mức lương cơ sở. Tuy nhiên trong bối cảnh nhà trường đang từng bước thực hiện tự chủ, nguồn ngân sách eo hẹp nên ngoài việc chi trả theo mức đúng quy định nói trên thì trường cũng không hỗ trợ được gì thêm.

Nhiều lúc cũng đồng cảm với sự vất vả của giáo viên, tuy nhiên muốn chi thêm cho họ lại không có thông tư nào hướng dẫn nên đành "lực bất tòng tâm" nhìn họ rời khỏi trường. Trong khi đó, ở bên ngoài có nhiều cơ sở sẵn sàng chi trả với mức lương cao hơn nhiều lần nên để giữ chân được đội ngũ này cũng là điều không hề đơn giản".

Cũng liên quan đến việc này, lãnh đạo Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô xác nhận, tính đến thời điểm hiện tại, với ngành Hàn có 3 giáo viên bỏ việc. Trong đó có giáo viên là tiến sĩ cũng rời bỏ nhà trường để tìm công việc khác có mức lương "hấp dẫn" hơn.

Thậm chí có những giáo viên dù nhà trường không đồng ý xác nhận để họ chuyển công tác nhưng họ vẫn chấp nhận bỏ việc để chọn lựa công việc mới phù hợp hơn.

"Vì thực trạng này mà nhà trường cũng đang gặp phải muôn vàn khó khăn. Việc giữ người ở lại đã khó, mà nay muốn tuyển dụng nhân lực thay thế cũng không có nguồn để tuyển.

Không những vậy, theo quy định hiện nay, các trường chỉ được tuyển dụng giáo viên theo diện hợp đồng chứ không có chỉ tiêu viên chức như trước. Với mức lương chi trả cho giáo viên hợp đồng mới đầu cũng rất thấp nên nhiều người có tham gia tuyển dụng và được gọi trúng tuyển nhưng sau đó không đi làm.

Vừa qua, nhiều trường cũng họp với các bộ, ngành liên quan và đề xuất để trường được tuyển giáo viên diện viên chức đối với các ngành nghề nói trên nhằm sớm giải quyết bài toán nhân lực. Thực trạng này nếu không sớm được giải quyết thì lúc nào những người làm quản lý cũng như như ngồi trên đống lửa", thầy Vũ cho hay.

Ảnh minh họa: Trung Dũng

Cũng liên quan đến việc này, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổng hợp Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định cho rằng, nỗi lo về thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại đang là nỗi lo chung của nhiều trường cao đẳng nghề hiện nay.

Vị này nhận định, với tình hình thực tại, dù trường này chưa xảy ra tình trạng giáo viên rời bỏ nhà trường để ra ngoài làm việc nhưng trong tương lai gần, chắc chắn phải đối diện với việc đó, trong khi việc tuyển dụng giáo viên mới cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thông tin thêm về việc này, thầy Trường cho biết: "Không chỉ riêng với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà các ngành nghề truyền thống như Sơn mài, Khảm trai cũng đang có nhiều giáo viên là nghệ nhân sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Trong khi đó, sinh viên hiện nay cũng không mấy mặn mà với các ngành nghề này nên trong tương lai nguồn cung giáo viên cũng rất ít. Vì thế, chúng tôi cũng rất lo lắng việc, khi các giáo viên kia về hưu thì làm sao để có thể tuyển được người thay thế.

Bên cạnh đó, với các giáo viên có thâm niên đang dạy trong trường, nếu ra bên ngoài làm việc thì sẽ có những nơi sẵn sàng chi trả cho họ với mức lương cao gấp 2-3 lần, nên việc giữ người ở lại cũng là việc khiến chúng tôi đau đầu.

Ngoài ra, còn có một số giáo viên nghỉ việc ở trường nhưng lại ra ngoài để mở trung tâm đào tạo riêng. Việc này không chỉ nhà trường mất đi nhân lực mà chính các trung tâm đó cũng đang trực tiếp cạnh tranh với nhà trường về nguồn tuyển sinh hàng năm".

Thêm một thực trạng nữa cũng được lãnh đạo Phòng Tổng hợp lo lắng về tình trạng nhiều giáo viên chấp nhận "về hưu non" vì lo lắng cho sức khỏe nếu tiếp tục giảng dạy các bộ môn thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

"Thực tế hiện nay tại các trường cao đẳng nghề, công nghệ bảo hộ, trang thiết bị máy móc đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại vẫn còn tương đối hạn chế.

Vì thế, chính bản thân người lao động họ cũng rất "kén chọn" ngành nghề làm việc. Họ có thiên hướng chọn những ngành ít có tổn hại đến sức khỏe. Họ muốn nghỉ hưu sớm vì sợ phát sinh bệnh nghề nghiệp, trong đó có người thì có bệnh thật do phát sinh trong quá trình giảng dạy nhưng cũng có người tìm đủ mọi cáh để được nghỉ hưu non", thầy Trường thông tin thêm.

Đứng trước thực trạng này, vị lãnh đạo Phòng Tổng hợp cũng chia sẻ một số phương án mà Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định đang thực hiện để có thể giữ được nhân lực trong bối cảnh "khát" giáo viên như vậy.

Theo đó, thầy Trường nêu quan điểm: "Muốn giữ chân được người lao động thì trước hết cần phải tạo cho họ có việc và thu nhập. Chẳng hạn như ngành Hàn, chúng tôi đang tìm đối tác để liên kết xuất khẩu lao động đi nước ngoài.

Ngoài ra, khi các giáo viên tham gia đào tạo ở các đơn hàng đó thì mức chi trả cũng phải tương đương với các trung tâm bên ngoài. Quan điểm của nhà trường là những giáo viên đã gắn bó với trường lâu nay, giờ trong thời điểm khó khăn thì trường cũng phải quan tâm và tìm mọi cách để họ có thể sống được bằng chính công việc của họ ở trong trường".

Qua đó, vị này cũng nêu lên một số góp ý để cùng các trường tháo gỡ vướng mắc. Trong đó mong muốn nhà nước có thêm cơ chế hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện, máy móc của người dạy, người học, các thiết bị bảo hộ theo công nghệ tiên tiến để giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe của người dạy, người học tại trường nghề.

Đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý cấp trên có thể cân bằng được yếu tố "cung - cầu" của thị trường. Cụ thể là mức thu nhập từ các đơn vị tuyển dụng có thể đáp ứng theo yêu cầu thực tế mà người lao động bỏ ra, để các đối tượng tham gia học nghề nặng nhọc, độc hại yên tâm về đầu ra sau khi tốt nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổng hợp Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, thầy Trường nhận định: "Để không tồn tại quá lâu tình trạng thiếu việc của giáo viên thì việc tuyển sinh học viên đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng cần được các cơ quan quản lý quan tâm, điều chỉnh để nó sớm trở về đúng quỹ đạo.

Trong đó, mong muốn nhà nước có cơ chế để kiểm soát lực lượng lao động, đánh giá hiệu quả việc sử dụng lao động. Bởi lẽ trên thị trường hiện này vẫn có nhiều đơn vị sử dụng lao động không qua đào tạo. Điều này sẽ duy trì tư duy sử dụng lao động năng suất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng nghề cũng phải năng động trong việc tìm ra các mô hình hoạt động để làm sao có thể đảm bảo được thu nhập cho nhà giáo. Có như vậy mới giữ chân được lao động và tạo tâm lý gắn bó với công việc họ đang làm".

Tại Điều 11, Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập như sau:

Điều 11. Mức phụ cấp

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức lương cơ sở, gồm các mức sau đây:

1. Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

2. Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có hai trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

3. Mức 0,3 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có ba trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

4. Mức 0,4 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có bốn yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

Khoản 1, Điều 10 quy định:

1. Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;

b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

c) Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;

d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-nghe-luc-bat-tong-tam-khi-gv-day-nganh-nghe-nang-nhoc-doc-hai-bo-viec-post237049.gd