Trường mầm non kiến tạo hạnh phúc cho trẻ từ triết lý giáo dục hiện đại

Quốc tế hóa giáo dục, bắt đầu từ bậc mầm non là định hướng cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

Với những bước khai phóng của hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach trong hệ thống mầm non - giáo dục Việt Nam đang có những tiến chuyển mới về tư duy và triết lý đào tạo.

Từ “trường học: school” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “schole”, tiếng Latin “schola” mang nghĩa là nơi để giải trí, gặp gỡ bạn bè, tranh luận và học hỏi thêm kiến thức về thế giới bao la. Đối chiếu trong bối cảnh Việt Nam hiện đại, từ lúc nào trường học đã trở thành nơi trẻ em bắt buộc phải hoàn thành một khối lượng kiến thức nhất định, học hết quyển SGK này đến SGK khác, lớp này đến lớp khác.

“Hạnh phúc khi đến trường của trẻ hôm nay có bao hàm thời gian để suy nghĩ, để tranh luận đúng như nguồn gốc ra đời của từ ‘trường học’ hay không?”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thế giới Mặt trời – Little Em’s Pre-school, trường Mầm non Reggio Emilia Approach đầu tiên dành cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi tại Việt Nam chia sẻ.

Phòng học Galileo’s Workshop: 2 – 3 tuổi tại Little Em's.

Phòng học Galileo’s Workshop: 2 – 3 tuổi tại Little Em's.

Triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại: Sự hợp tác

Chương trình giáo dục mầm non ban hành năm 2009 được xây dựng dựa trên cơ sở sở kế thừa những thành tựu trước và tiếp cận xu hướng cấp tiến trong giáo dục mầm non của các nước phát triển trong khu vực và thế giới, thể hiện quan điểm “giáo dục toàn diện, tích hợp và lấy trẻ làm trung tâm”.

Cội rễ của mục tiêu đó bắt nguồn từ triết lý giáo dục của Việt Nam, hướng đến hình ảnh con người mơ ước (con người mà nền giáo dục muốn tạo ra) và xã hội tương lai mơ ước (xã hội mà con người mơ ước sẽ tạo ra, bảo vệ).

GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam ngày nay là "hợp tác". “Đó là quan hệ hợp tác giữa nhà trường - xã hội, nhà trường - gia đình, thầy - trò, thầy - thầy, học trò - học trò. Và khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thỏa thuận, không ai áp đặt ai”.

Trên cơ sở đó, hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach thể hiện sự đồng bộ, nhất quán và cơ hội lan tỏa trong bối cảnh Việt Nam. Giai đoạn đổi mới sáng tạo cũng là cơ sở để những phương pháp đào tạo có tính tiến bộ, nhân văn trở thành hiện tượng và phát huy những giá trị tốt đẹp.

Reggio Emilia Approach là một hình thức giáo dục sớm được hình thành tại Ý bởi Loris Malaguzzi, một nhà tâm lý học, nhà giáo dục. Phương pháp này ảnh hưởng bởi mô hình giáo dục Dewey, Vygotsky, thuyết tâm lý học của Piaget, Erikson, Bronfenbrenner, Bruner và được truyền cảm hứng từ Bruno Ciari (Rinaldi, 2006; Cagliari et al., 2016). Phương pháp này được điều chỉnh để phù hợp với những bối cảnh giáo dục và văn hóa khác nhau trên toàn thế giới.

Hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach được thể hiện bởi hình ảnh của những đứa trẻ khỏe mạnh, tò mò khám phá và có năng lực học hỏi vô tận.

Hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach được thể hiện bởi hình ảnh của những đứa trẻ khỏe mạnh, tò mò khám phá và có năng lực học hỏi vô tận.

“Reggio Emilia Approach không phải là một mô hình trường học có thể tái xây dựng và áp dụng ở khắp mọi nơi, thay vào đó nó là một hướng tiếp cận cần được bối cảnh hóa để phù hợp với từng địa phương và nền văn hóa khác nhau. Trở thành một ngôi trường Reggio Emilia Approach như Little Em’s đồng nghĩa với việc mang Reggio Emilia Approach về nhà. Ngôi trường phải thực sự phản ánh những giá trị văn hóa, lịch sử, niềm tin của cộng đồng xung quanh. Do đó, để triển khai thành công, cần có một sự thấu hiểu sâu sắc bản chất và nguyên tắc của hướng tiếp cận này”, bà Vân Anh – hiệu trường nhà trường chia sẻ.

Tại trường học, các chất liệu, từ môi trường, kiến trúc, nội thất, đến chương trình học, giáo viên…, đều có sự tư vấn sâu sát và trực tiếp thẩm định bởi Reggio Children. Ngôi trường Việt Nam vận hành chương trình của Bộ GD&ĐT với hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach là xương sống trong mọi hoạt động, từ giảng dạy và học tập, dinh dưỡng và sức khỏe cho bé, cũng như việc tích hợp các hoạt động nghệ thuật, vận động và thể thao giúp các bé phát triển toàn diện nhất, trở thành phiên bản đẹp nhất của chính mình.

Những đứa trẻ hạnh phúc

Tại Việt Nam, song hành hiện hữu cùng các phương pháp giáo dục hiện đại khác như Montessori, Glenn Doman, Steam hay Steiner…, sự hiểu biết và thành tựu của Reggio Emilia Approach chưa thật sự phổ biến.

Xét về nguyên nhân, trong trường học, giáo viên được xem là người lãnh đạo, người phát triển chương trình học cho trẻ, người quyết định nội dung nào sẽ được học. Còn những giáo viên Reggio Emilia Approach được xem là cộng sự, là người cùng nghiên cứu với trẻ, người hướng dẫn trẻ trong hành trình khám phá tri thức do chính tay chúng lựa chọn, phản biện và đàm phán. Giáo viên sẽ là người gợi mở, định hướng dựa trên hứng thú của trẻ.

Phụ huynh là một yếu tố quan trọng trong những thành phần cấu tạo nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ.

Phụ huynh là một yếu tố quan trọng trong những thành phần cấu tạo nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ.

Giáo dục truyền thống tại Việt Nam thường phân loại học sinh dựa trên điểm số theo một hệ thống các môn học với một lộ trình giống nhau. Trái ngược quan điểm đó, hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach cho rằng trẻ em có hàng trăm ngôn ngữ khác nhau và mỗi đứa trẻ đều tiềm tàng những kho báu giá trị riêng. Thông qua các hoạt động dự án, trải nghiệm cuộc sống, sáng tạo nghệ thuật, phát triển tư duy, hiểu biết và kỹ năng, trẻ sẽ thấu hiểu bản thân, tự tin với chính mình mà không lệ thuộc vào tiêu chuẩn cứng nhắc của xã hội.

Cô Phạm Ngọc Châm, Atelierista tại Little Em’s chia sẻ: “Nếu như tại đa số các trường mầm non, phụ huynh bận rộn và chỉ quan sát, lắng nghe giáo viên để cập nhật tình trạng của con thì thầy cô Reggio Emilia Approach sẽ là người ghi nhận, phân tích, theo dõi và cảm nhận những khoảnh khắc trưởng thành của con. Phụ huynh là một phần quan trọng của lộ trình giáo dục và thiết lập cộng đồng xung quanh trẻ. Mỗi sự chuyển biến nhỏ nhất, tích cực nhất đều trở nên ý nghĩa”.

Giáo dục truyền thống mang đến sách, bút và những bài kiểm tra. Còn hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach mang tới dự án, thí nghiệm, chuyến dã ngoại và hơn hết là những nụ cười, những trải nghiệm, những đứa trẻ thực sự “sống” và trưởng thành từng ngày. Nó mang đến tinh thần lấy trẻ làm trọng tâm, trao quyền cho trẻ tự do mong muốn, tìm hiểu và khám phá.

An Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/truong-mam-non-tiep-can-reggio-emilia-approach-trong-boi-canh-viet-nam-634779.html