Trường hợp nào được hưởng chế độ trợ cấp người phục vụ?

(Chinhphu.vn) – Theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được trợ cấp người phục vụ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng ( manh_thang2502@... ) là thương binh loại A, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật là 23% đồng thời là nạn nhân chất độc hóa học với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 81% (theo Biên bản giám định số 0865-10/GĐYK-CĐHH do Hội đồng Giám định Y khoa TP. Hồ Chí Minh kết luận ngày 22/4/2010).

Hiện ông Thắng được hưởng mức trợ cấp 2.739.000đ/tháng, gồm trợ cấp đối với nạn nhân nhiễm chất độc hóa học là 1.840.000đ/tháng và trợ cấp thương binh là 899.000đ/tháng. Tuy nhiên ông Thắng băn khoăn về mức trợ cấp hiện hưởng và đề nghị cơ quan chức năng giải đáp các thắc mắc sau:

Theo ông Thắng được biết, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp mức 1 hằng tháng là: 2.530.000đ/tháng. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ được hưởng trợ cấp mức 2 là: 1.840.00đ/tháng. Ông Thắng được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh giải thích do ông là thương binh nên chỉ được hưởng trợ cấp ở mức 2.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP ông được hưởng trợ cấp người phục vụ bằng 1 lần mức chuẩn từ ngày 1/9/2012 và được hưởng mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2013 bằng 2,28 lần mức chuẩn, nhưng thực tế ông chưa từng được hưởng trợ cấp người phục vụ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời như sau: .

Về nội dung phản ánh thương binh chỉ được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở mức 2 (suy giảm khả năng lao động dưới 81%), theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là người bị thương suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên do thương tật, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận thương binh” hoặc “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”.

Nếu khả năng lao động được xác định là 100% thì thương binh tối thiểu đã suy giảm mất 21% do thương tật, khả năng lao động tối đa còn lại chỉ là 79%.

Do vậy, Nghị định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công đã quy định thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động bị nhiễm chất độc hóa học thì hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống (1.840.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 của (tiết 1.2, Điểm 1, Mục I) hướng dẫn việc miễn giám định mức độ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động.

Như vậy việc Hội đồng giám định y khoa Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khám và kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% do nhiễm chất độc hóa học đối với ông là không đúng quy định.

Theo quy định hiện hành tại tiết d khoản 1 Điều 31 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì thương binh đã hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trước ngày 1/9/2012 được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% (mức 2.172.000đồng theo quy định tại Nghị định 101/2013/NĐ-CP ngày 4/9/2013 của Chính phủ, áp dụng từ ngày 1/7/2013).

Đối với nội dung phản ánh ông không được hưởng chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được trợ cấp người phục vụ.

Trường hợp của ông là thương binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% nên không thuộc diện được trợ cấp người phục vụ là đúng theo quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/truong-hop-nao-duoc-huong-che-do-tro-cap-nguoi-phuc-vu/192584.vgp