Trường học xét cặp của học sinh: Luật sư mang đến góc nhìn ở khía cạnh pháp lý

Sự việc trường THCS - THPT Đông Du (Đắk Lắk) 'khám' cặp, soát người học sinh trước khi vào lớp đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Sau chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, nhà trường đã xin lỗi học sinh và phụ huynh, đồng thời dừng thực hiện hành vi này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường từng hoặc đang áp dụng việc kiểm tra cặp, soát người học sinh như một biện pháp phòng tránh bạo lực học đường. Vậy hành động này có vi phạm pháp luật không?

Sự việc trường THCS - THPT Đông Du (Đắk Lắk) kiểm tra cặp, soát người học sinh trước khi vào lớp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường đã gây tranh cãi trong tuần qua. Trả lời báo chí, đại diện nhà trường giải thích rằng nhà trường đã thực hiện việc này trong nhiều năm nhằm đảm bảo học sinh không mang theo các vật dụng nguy hiểm, chất kích thích... vào trường học.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu nhà trường dừng ngay việc làm này. Thầy Hiệu trưởng đã gửi thư ngỏ tới học sinh và phụ huynh với nội dung: "Ban giám hiệu cùng tập thể hội đồng sư phạm nhà trường chân thành gửi lời xin lỗi đến toàn thể phụ huynh xung quanh việc nhà trường thực hiện các biện pháp kiểm soát khi học sinh vào trường học tập." Tuy nhiên, trong thư cũng khẳng định rằng việc kiểm soát được đông đảo phụ huynh, học sinh ủng hộ và chỉ có một số ít phụ huynh, học sinh còn chưa đồng tình.

Thực tế, không riêng trường THCS - THPT Đông Du mà nhiều ngôi trường khác cũng từng hoặc đang thực hiện hành động này như một biện pháp nhằm phòng chống nạn bạo lực học đường.

Sự việc nhận được không ít ý kiến trái chiều. Ảnh: Uy Nguyễn

Bày tỏ quan điểm về hành động này, bạn Ngô Công Huyền Trân (học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) chia sẻ: “Mình nghĩ việc thầy cô lục soát cặp là đang xâm phạm vào quyền riêng tư của học sinh. Việc này khiến học sinh không thoải mái vì có những đồ dùng cá nhân không muốn bị lục. Bên cạnh đó, học sinh hiện giờ, đặc biệt là cấp Ba, cũng ý thức được đồ dùng nào an toàn và nguy hiểm để mang đến trường học.”

Huyền Trân thẳng thắn cho rằng, việc xét cặp đã khiến bạn rất khó chịu. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, Phạm Xuân Hiếu Ngân (lớp 12 trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) bày tỏ ý kiến: “Bên cạnh sách vở, mình còn để rất nhiều thứ riêng tư vào cặp để phục vụ cho cả một ngày đi học, nên việc bất chợt bị đụng vào sẽ làm mình rất ngại và khó chịu.”

Hiếu Ngân cũng đồng tình vì cặp không chỉ dùng để đựng sách vở mà còn là các đồ dùng riêng tư khác. Ảnh: NVCC

Bạn Trần Huỳnh Bảo Trâm (trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) tâm sự, cảm giác khi đang ngồi trong lớp mà các thầy cô giám thị bất ngờ xuất hiện để kiểm tra chính là khoảnh khắc đau tim nhất: “Dù đã chấp hành và tuân thủ đầy đủ nội quy nhà trường, nhưng giây phút các thầy cô bước vào, mình và các bạn trong lớp vẫn cảm thấy vô cùng căng thẳng và hồi hộp”.

Bảo Trâm có góc nhìn khá trung tính về sự việc này. Ảnh: NVCC

Tài khoản có tên viết tắt N.P.T cho rằng, trong bối cảnh có nhiều vụ việc bạo lực học đường, việc nhà trường lo lắng và tìm biện pháp phòng ngừa là có thể thấu hiểu được. Tuy nhiên, cách làm trên lại tương đối phản cảm nên vừa tạo nên làn sóng phản đối, vừa không thể giải quyết gốc rễ của các lo ngại.

Đứng từ góc độ pháp lý, Luật sư Đồng Văn Thiệu (công ty Luật TNHH Baker & McKenzie) cho biết, bên cạnh sách vở và các dụng cụ học tập, cặp học sinh cũng có thể chứa đựng các vật dụng cá nhân, mang tính chất riêng tư mà các bạn không muốn để lộ ra (ví dụ như nhật ký, đồ dùng vệ sinh cá nhân, sức khỏe...). Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường cần lưu ý, dù là sách vở hay vật dụng cá nhân đều là tài sản riêng của mỗi học sinh. Do đó, việc lục soát và kiểm tra cặp của học sinh có dấu hiệu vi phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và tài sản của học sinh nói riêng và công dân nói chung, được ghi nhận tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, và Luật Trẻ em hiện hành.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chỉ những người có thẩm quyền đến từ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, hoặc Tòa án (như được quy định cụ thể tại Khoản a Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 này) mới có quyền ra lệnh khám xét người, tài sản của công dân. Lệnh khám xét cũng phải đáp ứng các yêu cầu luật định và được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi tiến hành. Chính vì vậy, ban giám hiệu nhà trường không có thẩm quyền trong việc khám xét người và tài sản; và việc nhà trường thực hiện lục soát và kiểm tra cặp học sinh là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, các bạn học sinh có quyền từ chối việc kiểm tra cặp.

Theo luật pháp Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, việc kiểm tra tư trang phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền như cán bộ công an địa phương với phương án và kế hoạch phù hợp với quy định pháp luật chứ không phải thầy cô giáo hay nhân viên nhà trường. Ảnh: Internet.

“Nếu nhà trường muốn đảm bảo an toàn học đường hoặc muốn ngăn chặn việc học sinh mang theo hung khí hay vật có nguy cơ gây nguy hiểm đến trường, việc kiểm tra cặp phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền như cán bộ công an địa phương với phương án và kế hoạch phù hợp với quy định pháp luật chứ không phải thầy cô giáo hay nhân viên nhà trường như hiện tại.

Ngoài ra, nhà trường với tư cách là đơn vị giáo dục nên tham vấn với phụ huynh về các phương pháp linh hoạt và mềm dẻo hơn khi kiểm soát các vật dụng mà các bạn học sinh mang tới trường. Ví dụ, nhà trường có thể yêu cầu phụ huynh hỗ trợ trong việc kiểm tra cặp của bạn học sinh trước khi tới trường. Mặt khác, nhà trường nên thúc đẩy việc tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường để nâng cao ý thức của chính mỗi học sinh.” - Luật sư Thiệu cho biết.

Lê Khanh - Bảo Ngọc

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/truong-hoc-xet-cap-cua-hoc-sinh-luat-su-mang-den-goc-nhin-o-khia-canh-phap-ly-post1576365.tpo