Trường đại học Mỹ tích cực hỗ trợ cộng đồng

Ngày càng nhiều tổ chức giáo dục đại học và cao đẳng tại Mỹ đưa ra các biện pháp hỗ trợ cộng đồng.

Một viện nghiên cứu mới tại Trường Đại học Vermont đang nỗ lực giúp đỡ những thị trấn bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Đây cũng là cách giúp trường học nâng cao hình ảnh, thương hiệu cũng như thu hút được nhiều sinh viên hơn.

Sự giúp đỡ “không ngờ”

Bãi đậu nhà - khu nhà tạm cho người khó khăn tại bang Vermont dường như đang ngủ đông trong ngày tuyết rơi lạnh giá. Những cơn bão và tuyết, lũ lụt đã tàn phá những ngôi nhà tạm.

Chris Ouellette - người quản lý tài sản của một cơ quan nhà ở giá rẻ tại địa phương, nơi sở hữu bãi đậu nhà, cho biết: “Chúng tôi có một ngôi nhà bị tốc mái. Một vài ngôi nhà đã bị phá hủy. Ít nhất một người dân đã lập trang GoFundMe để trả tiền sửa chữa. Song, không có nguồn tài trợ nào được chỉ định cho các bãi đậu nhà như vậy. Vì vậy, khi gặp phải tình huống như những cơn bão tiếp tục ập đến, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng khó khăn”.

Giờ đây, sự giúp đỡ đang đến từ một nơi không ngờ tới: Trường Đại học Vermont, hay UVM - cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của bang. Trường đã mở một trung tâm mới để giúp đỡ cộng đồng người dân. Nhà trường cũng đảm nhận công việc bị bỏ quên từ lâu.

Đó là tìm cách giúp các bãi đậu nhà có khả năng chống chọi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt. Trong bối cảnh này, những người ủng hộ cho rằng, sự giúp đỡ như vậy là cách để chống lại sự suy giảm niềm tin của công chúng vào giáo dục đại học - vấn đề vốn trở nên tồi tệ hơn bởi các cuộc tấn công chính trị và những sai lầm của chính những trường đại học ưu tú nhất.

Sự hỗ trợ này đã kéo giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu ra khỏi khuôn viên rộng lớn, đẹp như tranh vẽ với khu sân cỏ gọn gàng để đến những khu vực lân cận như bãi đậu nhà ở Bristol.

Khu vực này dù cách đó 30 dặm, nhưng tưởng như cách xa một thế giới - nơi những người đến từ trường đại học có thể ngạc nhiên khi có mặt tại đây. Bà Kelly Hamshaw - giảng viên nghiên cứu tại Khoa Phát triển Cộng đồng và Kinh tế Ứng dụng, người đang thực hiện dự án chống chịu thiên tai, cho biết: “Khi bạn gõ cửa nhà mọi người và nói: ‘Xin chào, tôi là sinh viên của Đại học Vermont’, ban đầu mọi người sẽ nhìn bạn với vẻ hơi bối rối”.

Trong khi đó, bà Sarah McKinley - Giám đốc chương trình xây dựng sự thịnh vượng cộng đồng của tổ chức phi lợi nhuận The Democracy Collaborative, cho biết: “Có sự ngờ vực rất lớn giữa các trường đại học và cộng đồng. Vì vậy, cần phải có quá trình thay đổi và xây dựng lại văn hóa”. Bà McKinley nói, giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng là một bước để các trường đại học hướng tới việc khôi phục niềm tin của công chúng.

Các trường hy vọng sẽ có nhiều người hơn được nghe về công việc hỗ trợ cộng đồng của họ.

“Một phần nhiệm vụ”

Thông qua Sáng kiến Vòng tròn Đại học Lớn, Trường Đại học Case Western Reserve và một số bệnh viện lân cận - hơn một nửa cư dân ở Đông Cleveland sống trong cảnh nghèo đói - đã đồng ý tận dụng khả năng của mình bằng cách mua hàng tại địa phương và thuê người dân địa phương.

Trong số 100 trường đại học đô thị được Viện Nghiên cứu Cao cấp về Văn hóa tại Đại học Virginia khảo sát, 3/4 coi dịch vụ công là một phần nhiệm vụ của họ.

Chủ tịch The Democracy Collaborative - ông Joe Guinan nhận định, trường đại học thể hiện rằng, họ đang đóng góp cho cộng đồng. Một số tổ chức giáo dục cũng đang nỗ lực thu hút sinh viên và giảng viên đến những nơi xa xôi hoặc các khu vực suy thoái kinh tế.

Những biện pháp can thiệp như vậy có thể “giúp ổn định và phát triển cộng đồng địa phương theo cách khiến chúng trở thành nơi hấp dẫn hơn đối với giảng viên và sinh viên sắp tới”, theo ông Guinan.

Ví dụ, Trường Cao đẳng Colby ở Maine đang giúp hồi sinh thành phố Waterville xung quanh - nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề do việc đóng cửa một số nhà máy cung cấp việc làm được trả lương cao.

Trường đã xây dựng một ký túc xá trên con phố chính. Qua đó, giúp phục hồi lượng người đến trung tâm thành phố. Ngoài ra, trường cũng đã triển khai thực hiện các dự án trị giá 200 triệu USD bao gồm một trung tâm nghệ thuật và khách sạn theo phong cách cổ điển.

Ông David Greene - Chủ tịch của Trường Cao đẳng Colby, cho biết: “Những người mà chúng tôi đang thu hút có rất nhiều lựa chọn về nơi họ có thể đến và sinh sống. Bằng cách giúp cộng đồng luôn sôi động, bạn có cơ hội tốt hơn nhiều để tuyển dụng họ vào trường đại học của mình”.

Trong khi đó, bà McKinley cho biết, không giống các công ty tư nhân, trường đại học bị giới hạn về địa điểm. Tuy nhiên, Bobbie Laur - Chủ tịch của Campus Compact, một liên minh gồm 500 trường cao đẳng và đại học đã cam kết phục vụ cộng đồng, cho biết: “Không phải giáo dục đại học nào cũng làm được mọi thứ có thể. Giáo dục đại học có một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết để tạo ra ảnh hưởng. Chúng ta nên nói rằng, đó là một sự kỳ vọng”.

Tuy nhiên, việc tạo ra tác động như vậy không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Kirk Dombrowski - Phó Chủ tịch nghiên cứu và phát triển kinh tế tại UVM, cho biết: “Một sự khiêm tốn nhất định là hoàn toàn cần thiết trong hầu hết các tình huống. Các trường đại học trước đây chưa thực sự giỏi về sự khiêm tốn”.

UVM đã phân nhánh thành vô số dự án thông qua Viện Leahy, được đặt theo tên của cựu Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Đồng thời, được tài trợ bởi cùng một khoản trợ cấp liên bang có thời hạn 4 năm chi trả cho hoạt động tiếp cận cộng đồng ở Wisconsin và làm việc tại Đại học Auburn ở Alabama để hỗ trợ nông dân chăn nuôi gà, ngành lâm sản. Ngoài ra, Viện cũng đã giúp Nhà hát Tòa thị chính ở thị trấn Middlebury nộp đơn xin tài trợ để xây dựng một công trình bổ sung trị giá 7,5 triệu USD.

Ông Fred Kenney - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Phát triển Kinh tế quận Addison, người đã dựa vào trường đại học để lấy dữ liệu cho biết: “Có được những thứ như dữ liệu và số liệu thống kê miễn phí có vẻ không hào nhoáng. Tuy nhiên, đó là một dịch vụ tuyệt vời mà mỗi chúng ta sẽ phải trả rất nhiều tiền nếu không có trường đại học. Đây không phải là ví dụ duy nhất nhưng nó thực sự hữu ích”.

Bà Taylor Welch-Plante - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Hub ở Bristol, Vermont.

Cơ hội cho thanh thiếu niên

Tất nhiên, nhân viên của trường đại học hầu như luôn là thành viên của cộng đồng xung quanh khuôn viên trường của họ. Đó là cách trường học tham gia vào một dự án khác: Đưa ra đề xuất về một trung tâm thanh thiếu niên địa phương tên là Hub, ở vùng nông thôn Bristol – nơi giảng viên Hamshaw sống.

Nói về Giám đốc trung tâm, Taylor Welch-Plante, giảng viên Hamshaw cho biết, cơ duyên đến với hai người khi họ gặp nhau vào một lần đi dạo. Kết quả là, họ đã cùng thảo luận và nảy ra ý tưởng về một dự án nghiên cứu. Trong đó, sinh viên đóng góp lớn vào việc giúp đỡ các thị trấn cộng đồng.

Theo giảng viên này, một lợi ích khác của các dự án đó là tạo cơ hội cho học sinh trung học địa phương tiếp xúc với những sinh viên đại học. Qua đó, giúp các thanh thiếu niên tại vùng nông thôn có động lực trong việc tiếp tục học tập. Giám đốc Welch-Plante cho biết: “Các thanh thiếu niên có thể nhìn thấy những tấm gương từ sinh viên đại học. Điều đó sẽ khiến họ nảy sinh tâm lý muốn theo học đại học”.

Tuy nhiên, thực tế, bà Emma Spett - điều phối viên sáng kiến tương tác tại Viện Leahy cho biết, không chỉ học sinh và thanh thiếu niên, mà cả những người yêu thích rạp hát cũng như cư dân tại bãi đậu nhà cũng nên biết về các sáng kiến tiếp cận cộng đồng này. Bà Spett nói: “Tôi có cảm giác như chúng tôi đang làm rất nhiều việc và không phô trương”.

Trong khi đó, ông Greene – Chủ tịch Trường Cao đẳng Colby chia sẻ, khi một cộng đồng nhìn thấy và nghe về những dự án hay này, họ “có thể thay đổi hoàn toàn” cách công chúng nhìn nhận về trường cao đẳng hoặc đại học địa phương.

“Các trường cao đẳng và đại học đang ngày càng đánh mất niềm tin của công chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa, một phần của điều này là do họ thường có vẻ xa cách với cộng đồng của mình. Điều đó có thể dẫn đến sự mất lòng tin thực sự đối với các tổ chức.

Cộng đồng có thể cho rằng, các tổ chức này không dành cho tôi, mà dành cho người khác”, ông Greene nhận định, đồng thời chia sẻ, khi lần đầu tiên đến trường, điều được cảm thấy rõ là cộng đồng vô cùng mất niềm tin vào Colby cũng như cách nhà trường dường như phớt lờ những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt.

“Bây giờ, chúng tôi có thể có những cuộc thảo luận trong thành phố hoàn toàn hiệu quả mà không gặp phải vấn đề khiến chúng tôi không tin tưởng lẫn nhau”, người đứng đầu Trường Cao đẳng Colby chia sẻ.

Bà Glenda Gillaspy - Trưởng khoa Khoa học Nông nghiệp và Đời sống tại Trường Đại học Wisconsin-MadisonGillaspy đã trích dẫn ví dụ ở Wisconsin về sự hợp tác với người Mỹ bản địa của các nhà khoa học đại học. Sự hợp tác này nhằm áp dụng trở lại phương pháp canh tác truyền thống trong khi trồng các loại ngô cụ thể. Những dự án như vậy có một số lợi thế, như tác động kinh tế, trao đổi ý tưởng và kiến thức, sau đó là phần con người - sự tự tin và tin tưởng nhau.

Theo The Hechingger

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-my-tich-cuc-ho-tro-cong-dong-post682745.html