'Trông vời lưng núi...'

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (15/5/1936 - 11/2/2022) được khán thính giả yêu nhạc nhớ tới với tư cách tác giả của các ca khúc 'Xa khơi', 'Tiếng hát giữa rừng Pác Pó', 'Mơ quê'…

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh: Thư Hoàng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh: Thư Hoàng.

Sinh thời, ông nổi tiếng là người viết kỹ, thậm chí phần lời ca khúc “Xa khơi” tới những năm cuối đời ông còn chỉnh sửa. Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ không đồ sộ về số lượng. Ông là người sống và thực hành nghệ thuật theo lối “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Tôi may mắn gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhiều lần. Khó tìm thấy ở ông cái chất lãng tử, tài tử, ngẫu hứng như ở nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ khác mà thường nhận ra sự chỉn chu, tỉ mỉ. Ông chỉn chu cả trong cuộc sống lẫn trong việc sáng tác ca khúc.

Gặp ông ở nhà riêng hay trong những cuộc họp của giới văn nghệ cũng đều thấy nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có vẻ gì rất mô phạm, như một nhà giáo.

Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc nào ông cũng khẽ khàng và quyết đoán: “Về ca khúc mình chỉ có 15 cái thôi”. Rồi ông chậm rãi: “Tôi sáng tác vất vả lắm, không thể viết nhanh được”.

15 ca khúc, một con số đương nhiên là ít sau một đời đắm mình với âm nhạc như Nguyễn Tài Tuệ. Nhưng ông luôn cảm thấy hài lòng. Vào những năm cuối đời, gặp ông, vẫn nhận ra sự bình thản với con số ít ỏi đó. Ông không vội vã, dù ngày ngày ông vẫn ngồi bên cây đàn, luôn sẵn sàng để viết khi ý tưởng đã chín và cảm xúc bật ra.

Với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, làm nghệ thuật dù có hàng ngàn tác phẩm mà không có tuyệt tác thì không có gì cả. “Trong sáng tạo nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình, không có cái kha khá, được được, phải là hay, tuyệt tác thì càng tốt”, ông từng chia sẻ với tôi trong một cuộc trò chuyện.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, làm nghệ thuật chỉ có 1% là tài năng, còn 99% là sự lao động, khổ luyện. Ông cũng đã đúc rút ra phương châm bốn chữ T: Tài năng thiên phú, chỉ chiếm 1%. Chữ T thứ hai là Trí tuệ và tri thức của thời đại, đó là suối nguồn văn hóa của đất nước, cái nôi hình thành nhân cách và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Chữ T thứ ba là chữ Tâm. Đó là sự dấn thân, là lòng tự trọng, thành thật với chính mình, gạt ra ngoài những bon chen danh lợi. Và cuối cùng, đó chính là Tầm cỡ của tác phẩm.

Theo ông, một đời sáng tác mà không có tuyệt tác nghĩa là không có gì. Nhiều người đến khi chết vẫn phải khóc vì vài ba trăm tác phẩm mà vẫn không để lại cho đời được một kiệt tác...

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong một lần đến Pác Pó (Cao Bằng).

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong một lần đến Pác Pó (Cao Bằng).

Về ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng chia sẻ với tôi rằng, ông viết khi mới 23 tuổi và chưa một lần được đặt chân tới Cao Bằng, tới Pắc Pó.

Tuy vậy, ông đã viết ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” trong một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt. Nhạc sĩ cũng cho biết, ông mê dân ca Việt Bắc, với những điệu sli, lượn, cọi, then… Bằng tất cả tình yêu, sự kính trọng với Bác Hồ và vốn liếng tích lũy được trong những ngày sống ở rừng núi đã được ông “huy động” khi viết “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”:

Trông vời lưng núi

Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây

Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo

Kể rằng Người về đây nhà in lưng đá

Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trung thành với chất liệu âm nhạc dân gian như: ví, dặm, hát phường vải, dân ca Việt Bắc…

Theo ông, đó là con đường gần nhất để chạm đến trái tim con người. Trên cái nền âm nhạc dân tộc, những giai điệu của Nguyễn Tài Tuệ vút lên, với những ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Xa khơi”, “Mơ quê”…

Bên cạnh ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn sáng tác một số tác phẩm khí nhạc như: “Những cánh chim cao nguyên”, “Kỷ niệm quê hương” (cello và piano)... Ngoài ra, ông còn viết phần âm nhạc cho múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh tại xã Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, ông đã say mê với âm nhạc qua những làn điệu ví, dặm, những khúc hát đò đưa của quê hương xứ Nghệ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I (2001) về Văn học - nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhì, được trao Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

THƯ HOÀNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trong-voi-lung-nui-10280826.html