Trọng điểm Đèo Cà - còn mãi niềm tự hào

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khu vực Đèo Cà, xã Đồng Hưu (Yên Thế) nằm trên con đường huyết mạch đưa lương thực, vũ khí ra mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Với tinh thần bất khuất, người dân nơi đây cùng bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) đã vượt mưa bom bão đạn, bảo đảm an toàn cho những chuyến xe chở hàng hóa phục vụ Chiến dịch.

Hồi ức lịch sử

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở về Đèo Cà - nơi được mệnh danh là “cửa tử” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo lịch sử Đảng bộ xã Đồng Hưu, Đèo Cà là trọng điểm trên tuyến giao thông chiến lược từ Phổng - Mỏ Trạng để sang đường số 13 lên Tây Bắc. Nhằm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên khu ủy Việt Bắc đã thành lập Ban Chỉ huy mặt trận Đèo Cà để tổ chức lực lượng thuộc các xã: Đồng Hưu, Hương Vĩ, Bố Hạ, Đông Sơn, Tân Sỏi cùng TNXP chủ lực C231 và C232 thông đường lên mặt trận.

Ông Phạm Đức Nguồn kể lại những câu chuyện lịch sử về trọng điểm Đèo Cà cho thế hệ trẻ.

Tuyến đường rừng độc đạo dài chừng 20 km có vị trí chiến lược trong vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội ta ở Điện Biên Phủ nên bị quân Pháp đánh phá ác liệt. Từ ngày 4/4 đến 7/5/1954, địch đã trút hơn 1,7 nghìn quả bom, trong đó có nhiều bom nổ chậm, bom từ trường và hơn 6 nghìn quả đại bác xuống Đèo Cà. Quyết tâm bảo vệ và giữ vững mạch máu giao thông, đội phá bom và dân công đã kiên cường, dũng cảm tháo bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại những quãng đường, cầu, phà bị hỏng cho người, xe qua lại.

Trong 35 ngày đêm ấy, lực lượng TNXP C231 và C232 tỉnh Bắc Giang đã làm nên điều kỳ diệu mà kẻ thù không thể nào ngờ tới. Đó là bảo đảm giao thông để 2,5 nghìn lượt xe ôtô chở lương thực, vũ khí qua đây an toàn tới mặt trận, kịp thời tiếp sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh ngay trên mặt đường khi đang làm nhiệm vụ như các liệt sĩ: Hoàng Thị Thu, Đỗ Đình Mạc, Nguyễn Văn Thắng, Đặng Huy Tảo…

Huyện Yên Thế đã lập bản đồ quy hoạch 8,8 ha đất xung quanh khu vực Đèo Cà và lập dự án để xây dựng nhà truyền thống, đài tưởng niệm TNXP trong khuôn viên khu di tích lịch sử đã quy hoạch.

Ghi nhận những chiến công của TNXP C231, C232 tại Đèo Cà giai đoạn 1951-1954, năm 2006, di tích lịch sử văn hóa TNXP Đèo Cà được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngày 13/7/2007, tại khu Giếng Ống thuộc dốc Đèo Cà được đặt bia ghi danh đơn vị TNXP C231, C232. Đến năm 2015, Hội Cựu TNXP và Đoàn Thanh niên xã Đồng Hưu đã vận động nhân dân quyên góp hơn 10 triệu đồng dựng lại bia tưởng niệm. Di tích Đèo Cà đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, ông Phạm Đức Nguồn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Đồng Hưu (nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã) đang kể những câu chuyện về tinh thần chiến đấu bất khuất của quân, dân và lực lượng TNXP tại Đèo Cà với các cháu học sinh Trường Tiểu học xã Đồng Hưu.

Ông Nguồn cho biết: "Hồi ức về địa danh Đèo Cà vẫn luôn in đậm trong tâm trí những người dân trong xã. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hội viên hội cựu chiến binh, cựu TNXP cùng tổ chức các hoạt động tri ân tại di tích này. Để truyền lửa cho các thế hệ sau, từ nhiều năm nay, kiến thức lịch sử về di tích Đèo Cà đã được các nhà trường trên địa bàn xã giảng dạy trong giờ học lịch sử địa phương, buổi ngoại khóa".

Sức sống mới

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đồng Hưu đã thay đổi nhiều so với trước, đường giao thông được xây dựng, mở rộng. Nhiều hộ dân làm nhà cao tầng, cuộc sống no đủ, an ninh trật tự ổn định. Xã có 12 thôn với hơn 1,5 nghìn hộ dân, chủ yếu phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2023 đạt 75 triệu đồng.

Thôn Đèo Cà phát triển mô hình bóc ván gỗ, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tại đây có các mô hình kinh tế hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất vải thiều thôn Gia Bình; nuôi hươu lấy nhung ở thôn Cổng Châu; nuôi bò sinh sản ở thôn Trại Mới. Ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hưu cho biết: “Chục năm trở lại đây, nghề chế biến gỗ trên địa bàn phát triển mạnh. Từ những hộ chuyển đổi nghề ban đầu, đến nay, toàn xã có 58 xưởng bóc gỗ, mỗi xưởng tạo việc làm cho 20-40 lao động địa phương”. Năm 2023, toàn xã còn 4,56% hộ nghèo, 8,73% hộ cận nghèo, giảm sâu so với đầu nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến thôn Đèo Cà vào những ngày này, tại các xưởng bóc gỗ rộn ràng tiếng máy chạy, công nhân tất bật xếp ván lên giàn phơi. Bà Nguyễn Thị Mây, Trưởng thôn Đèo Cà cho biết: Thôn có 137 hộ với 554 nhân khẩu gồm các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu sinh sống. Bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế nên hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, nhiều hộ khá và giàu. Hộ anh Từ Văn Cường (SN 1988), dân tộc Nùng xây dựng xưởng bóc gỗ từ năm 2018. Đến nay, anh Cường làm chủ xưởng bóc rộng 400 m2, tạo việc làm cho 30 công nhân địa phương, thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương còn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. 100% các thôn trong xã đã có nhà văn hóa khang trang. Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 90%. Hai trường mầm non và tiểu học đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 100%.

Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Hưu nói chung, thôn Đèo Cà nói riêng không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương ngày càng no ấm.

Bài, ảnh: Hoài Thu - Đỗ Quyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trong-diem-deo-ca-con-mai-niem-tu-hao-084638.bbg