Trong Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn có gì?

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn (số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM) vừa chính thức ra mắt công chúng, mang đến trải nghiệm đặc biệt cho những người yêu thích lịch sử, văn hóa.

 Ra mắt Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

Ra mắt Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

Cả hai bảo tàng tư nhân nằm trong hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng. Với hơn 30 năm sưu tập và nghiên cứu cổ vật, ông Đỗ Hùng khẳng định, bản thân không chỉ là một nhà sưu tầm cổ vật nữa mà đặt mình vào trách nhiệm phải giữ gìn, phát huy giá trị cổ vật bằng cách giới thiệu ra công chúng.

"Tôi thành lập hai bảo tàng với mong muốn mang lại một điểm đến cho công chúng trong và ngoài nước có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu sâu hơn lịch sử, văn hóa Việt Nam; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và di sản vật thể”, ông Đỗ Hùng nói.

Hai bảo tàng đi vào hoạt động từ ngày 6-6, mở cửa phục vụ từ 9 giờ đến 22 giờ. Êkip mất hơn 6 tháng để thi công thực hiện hai bảo tàng này, chi phí đầu tư ban đầu hơn 15 tỷ đồng (không tính giá trị cổ vật).

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày các bộ trang sức, trang phục thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán... của 54 dân tộc anh em.

 Không gian Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam

Không gian Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam

Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn trưng bày những hiện vật của hoàng tộc nhà Nguyễn, từ những món đồ trang sức, thú vui của hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến những món đồ giá trị hơn phục vụ cho việc vận hành triều chính. Hàng ngàn cổ vật trưng bày trong hai bảo tàng được ông Đỗ Hùng sưu tầm và mua lại từ nhiều nguồn khác nhau. Những hiện vật quý giá thường được người nước ngoài sở hữu, ông phải mua đấu giá chủ yếu từ Pháp.

Đặc biệt, trong lần ra mắt bảo tàng này, có những cổ vật của vua Kiến Phúc (trị vì năm 1883-1884) vừa được đấu giá từ Pháp về cách đây 10 ngày.

Trong không gian Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn, ban tổ chức bố trí khu vực chụp ảnh miễn phí cùng ngai vàng của vua, kiệu hoàng hậu, xe kéo hoàng hậu. Du khách có thể mặc trang phục vua và hoàng hậu để chụp ảnh. Ngoài ra, trong không gian của bảo tàng không hạn chế việc cho du khách chụp ảnh hay quay phim.

 Những cổ vật của vua Kiến Phúc tại Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

Những cổ vật của vua Kiến Phúc tại Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

 Du khách tham quan Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

Du khách tham quan Bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn

“Hai bảo tàng là sự bổ sung rất ý nghĩa các điểm văn hóa, du lịch ngay tại trung tâm thành phố. Có những bảo tàng như thế này càng tăng thêm địa điểm lý thú, bổ ích để mang đến cho công chúng thêm lựa chọn tham quan. Cần đánh giá cao và khen ngợi các đơn vị tư nhân đã có công mang cổ vật Việt Nam hồi hương”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, chia sẻ.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trong-bao-tang-trang-suc-54-dan-toc-viet-nam-va-bao-tang-hoang-cung-trieu-nguyen-co-gi-post744797.html