Trợ cấp thực phẩm và tiền mặt gây rủi ro cho tín nhiệm nợ của Indonesia và Thái Lan

Kế hoạch cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh ở Indonesia và phát tiền mặt hỗ trợ ở Thái Lan được người dân hoan nghênh. Nhưng các tổ chức xếp hạng tín dụng cảnh báo, các chương trình trợ cấp như vậy có thể dẫn đến căng thẳng tài khóa và gây rủi ro cho các mức xếp hạng tín nhiệm nợ khá cao hiện nay của hai nước này.

Ông Prabowo Subianto (phải), người được dự đoán trở thành tổng tống Indonesia, nấu cà ri gà cho trẻ em trong một cuộc vận động tranh cử ở Cilincing, Bắc Jakarta, Indonesia vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Antara

Ông Prabowo Subianto (phải), người được dự đoán trở thành tổng tống Indonesia, nấu cà ri gà cho trẻ em trong một cuộc vận động tranh cử ở Cilincing, Bắc Jakarta, Indonesia vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Antara

Gây căng thẳng tài khóa và rủi ro tín nhiệm nợ

Tại Indonesia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người được dự báo trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử hồi tháng 2, có kế hoạch cung cấp bữa trưa và sữa miễn phí cho hơn 80 triệu học sinh trên khắp cả nước. Kế hoạch này được ông đưa ra trong cuộc vận động tranh cử nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực và chậm phát triển thể chất ở trẻ em.

Dự án ước tính tiêu tốn 120 nghìn tỉ rupiah (7,7 tỉ đô la Mỹ) trong năm đầu tiên, trước khi tăng lên 450 nghìn tỉ rupiah hàng năm vào năm 2029.

Các cam kết chi tiêu của ông Prabowo Subianto gồm trợ cấp thực phẩm dự kiến làm tăng thâm hụt tài chính ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lên tới mức 2,8% GDP vào năm 2025 từ mức dự kiến 2,29% trong năm nay sau khi chạm mức thấp nhất trong 12 năm vào năm 2023.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Srettha Thavisin kiên định với chương trình phát tiền hỗ trợ 10.000 baht (279 đô la Mỹ) qua ví điện tử dành mọi người dân trưởng thành. Đây là nỗ lực thúc đẩy chi tiêu tiêu tùng để xoay chuyển nền kinh tế vốn đang mắc kẹt ở mức tăng trưởng dưới 2% trong nhiều năm. Chương trình ước tính tốn kém 14 tỉ đô la Mỹ và chính phủ dự kiến dựa hoàn toàn vào vay nợ để tài trợ.

Những chính sách dân túy đó, bên cạnh các khoản trợ cấp hiện tại cho hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng khiến các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín dụng cảnh báo nguy cơ gây ra lạm phát ở Thái Lan và Indonesia. Họ lo ngại điều này sẽ đảo ngược quá trình củng cố tài khóa khó khăn ở hai nước này kể từ đại dịch Covid-19.

Các đảng đối lập, các nhà kinh tế và thậm chí cả ngân hàng trung ương ở Thái Lan đã lên tiếng phản đối các chính sách như vậy. Họ lập luận rằng, trợ cấp có mục tiêu nhắm những người nghèo nhất sẽ ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cảnh báo, rủi ro tài khóa trung hạn đang tăng lên ở Indonesia. Trong khi nợ nần gia tăng dai dẳng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm nợ của Thái Lan.

Khó rút lại chính sách dân túy

“Các chính phủ mới của Thái Lan và Indonesia sẽ gặp khó khăn trong việc rút lui khỏi các chính sách dân túy được cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử. Với tình hình hiện tại, những chính sách này có thể tạo ra tác động tăng trưởng tạm thời ở mức tốt hơn so với việc rót tiền vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng”, Euben Paracuelles, nhà kinh tế của ngân hàng Nomura, nói

Các quỹ toàn cầu đã bán ròng tổng cộng 928 triệu đô la trái phiếu chính phủ Thái Lan và Indonesia trong năm nay.

Đồng baht của Thái Lan giảm khoảng 6% so với đồng đô la Mỹ kể từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm ngoái. Đây là đồng tiền có hiệu suất tệ nhất trong số tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong khoảng thời gian đó. Tại Indonesia, đồng rupiah giảm 0,1% so với đô la kể từ cuộc bầu cử tổng thống hôm 14-2.

“Các kế hoạch trợ cấp này chắc chắn làm tăng thêm rủi ro tài khóa đối với Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, theo chúng tôi, mối lo ngại lớn hơn là sự bất ổn chính trị liên quan đến chính sách của các quốc gia này sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm nợ”, Liam Spillane, người đứng đầu bộ phận nợ thị trường mới nổi của Aviva Investor Global Services ở London nói.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang ngày càng chú trọng chính sách trợ cấp hào phóng để giành sự ủng hộ chính trị của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Đây là nhóm người gần như bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Chí phí sinh hoạt và trợ cấp xã hội đã trở thành những mối quan tâm của cử tri ngay cả ở các nước giàu có như Singapore trong bối cảnh tiền tiết kiệm của nhiều hộ gia đình cạn kiệt giữa lúc giá cả tăng cao.

“Chương trình trợ cấp tiền mặt của Thái Lan gây lo ngại nhất vì chính phủ đã nói rõ rằng chương trình được tài trợ hoàn toàn bằng nợ. Điều này cũng chỉ làm đẹp chỉ số tăng trưởng trong ngắn hạn, chứ không tạo ra lợi ích lâu dài về mặt sản xuất hoặc cơ cấu cho nền kinh tế”, Tamara Mast Henderson, nhà kinh tế của Bloomberg Economics bình luận.

Ở giai đoạn này, Henderson ít lo ngại hơn về chương trình cung cấp thực phẩm miễn phí cho học sinh ở Indonesia vì nước này có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn và gánh nặng nợ thấp hơn Thái Lan.

Trong khi đó, Malaysia gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đã được đặt ra từ lâu nhằm giảm trợ cấp nhiên liệu. Kế hoạch này được xác định là nguyên nhân khiến ngân sách trợ cấp của chính phủ vượt mức dự kiến 81 tỉ ringgit (17 tỉ đô la) vào năm ngoái. Chính phủ Malaysia cũng cần tìm nguồn thu mới, nhưng không muốn tái áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ đã bị bãi bỏ vào năm 2018 như một phần trong cam kết tranh cử của nhà lãnh đạo lúc đó là Mahathir Mohamad.

Đi kèm sự đánh đổi

Nicholas Mapa, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng ING cho rằng, những chính sách trợ cấp sâu rộng trong thời kỳ đại dịch đã giúp một bộ phận người dân thoát ra khỏi các khó khăn tài chính.

“Có vẻ như các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai sẵn sàng mạo hiểm tiến hành những động thái trợ cấp như vậy với cái giá phải trả là gây căng thẳng tài khóa”, Mapa nói khi đề cấp đến chính sách trợ cấp ở Thái Lan và Indonesia.

Các chương trình trợ cấp ở hai nước này đi kèm với sự đánh đổi. Nỗ lực tạo ra làn sóng chi tiêu nhờ kích thích tài khóa có thể gây áp lực tăng giá cả ở Thái Lan. Điều đó sẽ khiến Ngân hàng trung ương Thái Lan gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện giảm lãi suất mà Thủ tướng Srettha Thavisin đã nhiều lần kêu gọi.

Tại Indonesia, để tránh chạm trần nợ công do kế hoạch chi tiêu mới, các cố vấn của Tổng thống tương lai Prabowo đưa ra đề xuất điều chỉnh giảm trợ cấp hiện nay với dầu diesel và khí đốt nấu ăn. Dù điều này có thể vấp phải sự phản đối trên diện rộng.

Eddy Soeparno, Phó chủ tịch nhóm vận động tranh cử của Prabowo, cho biết, khoảng 80% trong số 350 nghìn tỉ rupiah (22 tỉ đô la) mà chính phủ chi ra năm ngoái để trợ giá dầu diesel và khí đốt nấu ăn chủ yếu mang lại lợi ích cho những người Indonesia có thu nhập trung bình và cao hơn.

“Những chương trình như thế này khó có thể duy trì lâu dài. Nhà nước không thể tiếp tục trợ cấp tiêu dùng mãi được”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis nhận xét.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tro-cap-thuc-pham-va-tien-mat-gay-rui-ro-cho-tin-nhiem-no-cua-indonesia-va-thai-lan/