Triển khai chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế

Tổng cục Thuế đang chuẩn bị triển khai chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế. Chương trình dự kiến được thực hiện trên toàn quốc vào quý I/2025, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế mang đến nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Thùy Linh.

Chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế mang đến nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Thùy Linh.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính luôn quan tâm và có nhiều chỉ đạo về tiếp tục đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng. Tổng cục Thuế cũng đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, tìm giải pháp giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đã hoàn thiện Quy trình hoàn thuế, xây dựng Bộ tiêu chí giúp phân loại hoàn thuế được minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh tự động hóa trong tất cả các khâu của quy trình xử lý hồ sơ hoàn. Đồng thời, tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế.

Với mục tiêu “Chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế” và “Lấy người nộp thuế là trung tâm phục vụ”, ngành Thuế đã tìm kiếm những giải pháp mới thông qua việc nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo, máy học, phân tích dữ liệu lớn… hỗ trợ công tác quản lý thuế nói chung và hoàn thuế nói riêng, trong đó có việc xây dựng “Chương trình tuân thủ tự nguyện hỗ trợ hoàn thuế giá trị gia tăng” với mục tiêu chính là hỗ trợ hoàn thuế nhanh cho người nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Tổng cục Thuế cho biết, để xác định doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, Tổng cục Thuế đã xây dựng bộ chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật thuế. Quá trình đánh giá sẽ được thực hiện tự động thông qua việc phân tích dữ liệu lớn của ngành Thuế, dựa trên các thông tin như đăng ký thuế, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh, vốn, thông tin về chủ sở hữu, lịch sử hoàn thuế, kết quả thanh kiểm tra, và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong vòng hai năm. Hệ thống sẽ tự động lựa chọn doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và gửi thông báo mời tham gia chương trình qua hệ thống điện tử.

Doanh nghiệp được lựa chọn sẽ cần cung cấp thông tin chi tiết qua phiếu khảo sát, bao gồm các nội dung liên quan đến kho hàng, quy trình sản xuất, vận chuyển hàng hóa, khách hàng và đối tác kinh doanh. Đây là cơ sở để cơ quan thuế đánh giá tính hợp tác và trung thực trong việc khai báo thông tin, từ đó đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế.

Nhiều lợi ích thiết thực

Theo Tổng cục Thuế, chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế mang đến nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Những doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được ưu tiên giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh hơn.

Trong trường hợp thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế xử lý hồ sơ ngay mà không yêu cầu giải trình hay bổ sung thêm tài liệu. Thời hạn thanh tra sau hoàn thuế đối với các doanh nghiệp này sẽ kéo dài từ ba đến năm năm thay vì một đến ba năm như trước đây. Đối với các trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau, cơ quan thuế vẫn ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kết nối dữ liệu định vị GPS, theo dõi hành trình vận chuyển hàng hóa và xác định khối lượng hàng hóa liên quan đến số thuế hoàn. Đồng thời, việc trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ được đẩy mạnh nhằm thu thập dữ liệu về dòng tiền, tài khoản ngân hàng và các thông tin tài chính khác, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và phòng chống gian lận thuế.

Thành viên của chương trình không chỉ được hỗ trợ về thủ tục hoàn thuế mà còn được hưởng các dịch vụ hỗ trợ toàn diện khác. Cơ quan thuế sẽ tổ chức hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp, tập huấn về thủ tục hành chính thuế và cung cấp thông tin cần thiết để giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ kiểm tra, cảnh báo và soát xét hồ sơ kê khai thuế, hóa đơn điện tử có dấu hiệu rủi ro, qua đó phòng tránh và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động.

Danh sách các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông của ngành Thuế, nhằm nâng cao uy tín và sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Chương trình được thiết kế không chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế mà còn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành thuế, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng thuế điện tử hiện đại, và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Mục tiêu cao nhất là lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, đồng thời nâng cao tính tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế.

Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện chương trình trước khi triển khai. Sau thời gian thực hiện từ ba đến sáu tháng, chương trình sẽ được đánh giá, điều chỉnh để đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trien-khai-chuong-trinh-ho-tro-nguoi-nop-thue-tuan-thu-tu-nguyen-phap-luat-thue.html