'Trị' trẻ ăn vạ nơi công cộng
Nhiều trẻ có biểu hiện ăn vạ khi không được đáp ứng mong muốn trong khi một số cha mẹ lại dễ nhượng bộ khi con đòi hỏi trước chốn đông người.
“Đầu hàng” vì e ngại?
Hầu hết, trẻ đến độ tuổi nào đó cũng có biểu hiện đòi hỏi. Có nhiều cách để trẻ thể hiện như mè nheo, khóc lóc, giãy giụa, thậm chí la hét, ném đồ đạc… Đây cũng không phải là chuyện hiếm gặp của các bậc phụ huynh khi băn khoăn không biết “trị” con thế nào, nhất là ở những nơi đông người.
Không ít trường hợp trẻ đòi hỏi bằng cách lăn đùng ra đất, giãy giụa, khóc lóc, gào thét, nhất định không chịu nghe lời người lớn. Nhiều phụ huynh thấy ngại ngùng với người xung quanh, hay xấu hổ khi bị nhìn vào, sợ phê bình không những con mà cả mẹ nên đã dễ dàng thỏa hiệp. Lúc này, trẻ nhận thấy được “vũ khí” lợi hại để được đáp ứng yêu cầu là ăn vạ ở chốn đông người và sẽ sử dụng “chiêu” này thường xuyên hơn. Vì vậy, cha mẹ cần có “kế hoạch” để trị thói ăn vạ nơi công cộng của con.
Nhiều người cho rằng, khi con ăn vạ thì cứ mặc kệ, sau vài lần con sẽ tự hết. Nhưng lại có quan điểm, nếu làm vậy con sẽ ngày càng lỳ. Còn có phụ huynh chia sẻ, khi con ăn vạ, một trong hai bố mẹ đóng vai ác, giả vờ cầm roi cầm vọt dọa đánh, người còn lại sẽ dỗ để lần sau con sợ mà hết….
Có thể ở nhà, cha mẹ đã làm tốt việc xử lí các cơn ăn vạ để đòi hỏi của trẻ nhưng khi ra ngoài đường, đi siêu thị… vì sợ người ngoài nhìn vào, tâm lý ngại ngùng, xấu hổ mà người lớn đã đáp ứng mong muốn của trẻ cho “xong chuyện”. Bé sẽ nhận ra thói quen này và có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài.
Cô Nguyễn Phương Lan (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội) khuyên rằng: Cha mẹ cần chuẩn bị kỹ trước khi đến nơi công cộng. Ví dụ, trước khi đi siêu thị, hãy nói với con rằng đến đó để mua thức ăn, chứ không phải là mua đồ chơi hay bất cứ thứ gì khác. Có thể nhắc lại với con nhiều lần để khẳng định rằng, con không được đòi mua những thứ con muốn.
Trong trường hợp con vẫn đòi hỏi, ăn vạ để được đáp ứng, thậm chí có những phản ứng gay gắt và cư xử càng khó ưa hơn, đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho việc này.
Nếu dự định cho con đi mua đồ, không nên mua tất cả những gì trẻ thích. Siêu thị có rất nhiều món đồ bắt mắt cùng màu sắc hấp dẫn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, giữa muôn vàn đồ chơi, con phải biết lựa chọn món đồ mà mình thích nhất. Bố mẹ có thể ra điều kiện ngay từ khi ở nhà rằng “hôm nay, sẽ chỉ mua cho con 1 thứ, và cho đến 3 tuần nữa sẽ không được mua thêm. Đây là quy định và nguyên tắc ngầm của cả nhà nhé”.
“Khi hiểu được điều này, trẻ sẽ học được rất nhiều thứ. Đầu tiên, con hiểu được không phải cứ muốn là có đồ chơi. Thứ hai, con biết mình sẽ phải cân nhắc, lựa chọn và suy nghĩ thấu đáo vì chỉ được chọn đúng 1 loại. Thứ ba, con sẽ chơi món đồ đó được rất lâu và có thể sáng tạo thêm giúp trò chơi không nhàm chán. Bố mẹ cũng có thể gợi ý con nên mua những món đồ có nhiều tính năng, chơi được lâu dài và phù hợp với lứa tuổi của trẻ”, cô Lan nói.
Kiên định với các chiêu trò của trẻ
Cô Nguyễn Phương Lan cho biết thêm, cha mẹ cũng cần đối phó với trường hợp trẻ có thể lăn ra đất mà kêu gào, la hét, hãy bình tĩnh để con thể hiện cơn giận của mình ra ngoài. Sau đó, cha mẹ hãy ngồi xuống và nói chuyện với con. Cách tốt nhất là đưa con ra khỏi khu vực đó, ở chỗ yên tĩnh hơn để con có thể bình tĩnh trở lại rồi phân tích cho con hiểu hành vi của mình là không đúng.
Dù cho bé có ăn vạ dai dẳng như thế nào, bố mẹ nhất định không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của bé. Chỉ cần bạn nhượng bộ một lần, bé sẽ nghĩ rằng khi “ăn vạ” sẽ có mọi thứ. Nếu bé nổi cáu tới mức đánh người khác, ném đồ đạc lung tung, hay không ngừng la hét thì hãy dứt khoát dừng lại cuộc đi chơi hay mua sắm, cho trẻ quay về nhà.
Lúc này, con phần nào nhận ra hành động ăn vạ của mình sẽ bị “tước” đi việc được ra ngoài chơi. Về nhà, cha mẹ sẽ tiếp tục nói chuyện với con về việc này, không nên phớt lờ hoặc bỏ mặc trẻ. Con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi hoặc chưa hiểu ra mình cần làm gì mới là đúng.
Để “trị” con đòi hỏi nơi công cộng, cha mẹ luôn chủ động lên kế hoạch ứng phó với các tình huống. Thêm nữa, không cần quá quan tâm khi nhiều người lạ nhìn vào bởi chính bạn mới là người trong cuộc để hiểu được câu chuyện giữa con và mình, nên chỉ có cha mẹ mới là người trực tiếp giải quyết được việc này. Nếu chỉ bận tâm vì sợ bị chê bai, phê phán mà nhượng bộ thì người lớn đã vô tình khiến con trở lên xấu đi khi ăn vạ thường xuyên, dẫn đến hình thành tích cách, thói quen không tốt sau này.
Với những trẻ có đòi hỏi thái quá mà vẫn được đáp ứng, chúng sẽ bỏ lỡ nhiều điều hay của cuộc sống, như không biết được niềm vui của thành quả, cảm giác lâng lâng khi quên mình vì người khác hoặc sự kiên nhẫn cần có để vượt qua các thử thách. Một cách vô tình, chúng tự làm hại các quan hệ và sự nghiệp của mình khi đưa ra những đòi hỏi vô lý. Hậu quả là khi trưởng thành, chúng sẽ ít có cơ hội thành công và được tôn trọng bằng những bạn bè hiểu chuyện hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tri-tre-an-va-noi-cong-cong-post645386.html