Trị bệnh thiếu kỷ luật của người lao động

Một bộ phận người lao động không tuân thủ kỷ luật, kỷ cương tại nơi làm việc, gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp, cần được chấn chỉnh để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động.

Kỷ luật lao động đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Hoàng Anh

Kỷ luật lao động đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Hoàng Anh

Tay nghề giỏi, tư duy tốt, khả năng sáng tạo cao là những yếu tố giúp người lao động làm việc hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, những điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu người lao động không tuân thủ kỷ luật, kỷ cương tại nơi làm việc.

Ông Mai Thiên Ân, đoàn viên công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao đông không có ý thức coi trọng kỷ luật, kỷ cương và tác phong công nghiệp.

Đó là nguyên nhân của một số hiện tượng như tác phong đi sớm, về trễ, tranh thủ điểm danh đúng giờ nhưng lại dùng thời gian làm việc để nghỉ ngơi, ăn sáng, uống trà, nghỉ phép không có lý do chính đáng, không phối hợp trong công việc, không tuân thủ các quy định của đơn vị làm việc.

Nhiều trường hợp còn để lại những hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn như coi thường quy định vệ sinh, an toàn dẫn đến tai nạn lao động, gian dối trong công việc, không tuân thủ quy trình sản xuất khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng cả về tài sản lẫn thương hiệu và uy tín.

Trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự chuyên môn hóa ngày càng cao trong công việc, những hiện tượng kể trên gây ảnh hưởng tiêu cực, là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động trì trệ.

Một người lao động kém năng suất do thiếu kỷ luật có thể kéo theo cả một bộ máy, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến khát vọng nâng cao năng suất, thu nhập, trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao của Việt Nam. Do đó, theo anh Ân, cần có giải pháp chấn chỉnh hiện tượng thiếu kỷ luật trong lao động.

Từ thực tiễn tại Intel Products Việt Nam, tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", ông Ân nêu ba giải pháp đã được doanh nghiệp này thực hiện để kiểm soát vấn đề thiếu kỷ luật, thiếu tác phong công nghiệp.

Thứ nhất, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, đào tạo và lắng nghe ý kiến người lao động. Intel Products Việt Nam tổ chức hàng năm các buổi đào tạo kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cũng như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để đội ngũ nhân sự nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các buổi gặp mặt, đối thoại với người lao động được doanh nghiệp này tổ chức hàng quý, hàng tháng để lắng nghe và phản hồi ý kiến từ người lao động. Mặt khác, đội ngũ quản lý cũng quan tâm, chia sẻ, nhắc nhở các tình huống thực tế để người lao động hiểu và áp dụng các quy định, nội quy trong công việc.

Ngoài ra, một số khóa học về thay đổi tư duy, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật cũng như các kỹ năng công việc cần thiết được Intel Products Việt Nam tổ chức để nhân sự có thể chủ động nâng cao ý thức, kỹ năng tay nghề.

Thứ hai, tuyên truyền kết hợp với tuyên dương khen thưởng. Song song với việc tuyên truyền, phổ biến quy định lao động, Intel Products Việt Nam xây dựng các giải thưởng để tuyên dương công khai những hành vi tích cực của nhân viên, có thể kể đến như Ngôi sao an toàn, Ngôi sao chất lượng.

Cuối cùng, xây dựng quy trình hỗ trợ và hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo anh Ân, Intel Products Việt Nam có nội quy rõ ràng được lưu trữ trên trang internet nội bộ để người lao động có thể dễ dàng tra cứu.

Trong vấn đề kiểm soát nội bộ, quản lý phải là người làm gương cho nhân sự cấp dưới. Để tăng tính gương mẫu ở cấp quản lý, doanh nghiệp đã xây dưng quy trình và công cụ phản hồi ẩn danh dành cho nhân viên. Song song với đó, bộ phận kiểm soát được tổ chức để rà soát và báo cáo việc tuân thủ các quy định.

Theo đại diện công đoàn, những giải pháp kể trên giúp Intel Products Việt Nam nâng cao đáng kể việc tuân thủ kỷ luật của người lao động, không để xảy ra sự cố về an toàn lao động và giảm 80% sự cố chất lượng. Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của nhân viên về nơi làm việc cũng được nâng cao.

Để các hoạt động giúp người lao động nâng cao kỷ luật được hiệu quả hơn, anh Ân đề xuất cần có các hình thức giảng dạy về kỷ luật, tác phong công nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường, xem xét điều chỉnh sao cho phù hợp với cấp học, ngành học.

Mặt khác, xây dựng quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và tuân thủ kỷ luật tại nơi làm việc.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tri-benh-thieu-ky-luat-cua-nguoi-lao-dong-1716716071228.htm